Chào bạn!
Việc tiêm vaccine dại cho chó, mèo giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại ở vật nuôi. Hiệu quả miễn dịch sau tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm đáp ứng của từng cá thể, chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm, sự tuân thủ phác đồ và việc nhắc lại định kỳ hàng năm. Không đảm bảo 100% vật nuôi ...
Chào bạn!
Việc tiêm vaccine dại cho chó, mèo giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại ở vật nuôi. Hiệu quả miễn dịch sau tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm đáp ứng của từng cá thể, chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm, sự tuân thủ phác đồ và việc nhắc lại định kỳ hàng năm. Không đảm bảo 100% vật nuôi đã tiêm phòng sẽ không mắc bệnh.
Trường hợp bạn bị mèo cào, rướm máu, dù là mèo nhà nuôi vẫn có thể lây truyền virus dại. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong gần như 100% với các triệu chứng như đau đầu, sốt, mệt mỏi, giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, liệt cơ hô hấp. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại, tiêm vaccine là cách phòng ngừa hiệu quả nhất.
Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Người bị động vật cắn, cào tiêm với phác đồ 5 mũi, vào các ngày 0-3-7-14-28, đường tiêm ở bắp tay, bắp chân. Hoặc 8 mũi vào ngày 0-3-7-28, với đường tiêm trong da. Bạn nên đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Trong thời gian tiêm, bạn nên theo dõi con vật, nếu chúng còn sống 10 ngày sau khi cắn, cào, bác sĩ có thể căn cứ vào tình trạng vết thương để chỉ định dừng tiêm. Vaccine lúc này vẫn có hiệu quả phòng bệnh. Ở những lần bị động vật cắn, cào sau, bạn chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần dùng huyết thanh kháng dại.
Ngoài tiêm vaccine sau khi bị chó, mèo cắn cào, mọi người hiện vẫn có thể tiêm vaccine dự phòng với phác đồ ba mũi cơ bản (các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28), sau đó nhắc lại theo hướng dẫn. Các trường hợp nguy cơ cao tiếp xúc virus dại như làm trong phòng thí nghiệm, thám hiểm hang động, người thường xuyên chơi với chó mèo... nên tiêm vaccine dự phòng trước. Việc này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh dại, nếu bị chó, mèo cắn cào, mọi người chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần dùng huyết thanh kháng dại thay vì lịch tiêm 5 mũi và có thể phải sử dụng huyết thanh kháng dại nếu chưa từng tiêm. Vaccine dại hiện nay đều là các vaccine bất hoạt, sản xuất theo công nghệ mới, không chứa tế bào thần kinh nên không gây ảnh hưởng trí nhớ.
Khi bị động vật cắn, cào, liếm, trước hết bạn cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng dưới vòi nước trong ít nhất 15 phút. Sau đó, tiếp tục sát trùng bằng cồn 45-70% hoặc cồn i-ốt để giảm thiểu lượng virus dại tại vị trí vết cắn. Ngoài ra, bạn không nên khâu hoặc băng kín vết thương vì điều này có thể làm virus dại thâm nhập vào cơ thể nhanh hơn, gây nhiễm trùng nặng.
Cảm ơn câu hỏi của bạn.
Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!