Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống TT Tiêm chủng VNVC.
Giới tính (*)
Tôi vừa bị mèo cào rướm máu sau khi vô tình giẫm phải đuôi nó. Mèo đã được tiêm phòng dại đầy đủ và chủ yếu nuôi nhốt trong nhà. Vậy tôi có cần tiêm phòng dại không?
Hoàng Phúc, 30 tuổi, Vĩnh Long
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Việc tiêm vaccine dại cho chó, mèo giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại ở vật nuôi. Hiệu quả miễn dịch sau tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm đáp ứng của từng cá thể, chất lượng vaccine, kỹ thuật tiêm, thời điểm tiêm, sự tuân thủ phác đồ và việc nhắc lại định kỳ hàng năm. Không đảm bảo 100% vật nuôi đã tiêm phòng sẽ không mắc bệnh.

Trường hợp bạn bị mèo cào, rướm máu, dù là mèo nhà nuôi vẫn có thể lây truyền virus dại. Bệnh dại có tỷ lệ tử vong gần như 100% với các triệu chứng như đau đầu, sốt, mệt mỏi, giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp, liệt cơ hô hấp. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh dại, tiêm vaccine là cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Người bị động vật cắn, cào tiêm với phác đồ 5 mũi, vào các ngày 0-3-7-14-28, đường tiêm ở bắp tay, bắp chân. Hoặc 8 mũi vào ngày 0-3-7-28, với đường tiêm trong da. Bạn nên đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Trong thời gian tiêm, bạn nên theo dõi con vật, nếu chúng còn sống 10 ngày sau khi cắn, cào, bác sĩ có thể căn cứ vào tình trạng vết thương để chỉ định dừng tiêm. Vaccine lúc này vẫn có hiệu quả phòng bệnh. Ở những lần bị động vật cắn, cào sau, bạn chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần dùng huyết thanh kháng dại.

Ngoài tiêm vaccine sau khi bị chó, mèo cắn cào, mọi người hiện vẫn có thể tiêm vaccine dự phòng với phác đồ ba mũi cơ bản (các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28), sau đó nhắc lại theo hướng dẫn. Các trường hợp nguy cơ cao tiếp xúc virus dại như làm trong phòng thí nghiệm, thám hiểm hang động, người thường xuyên chơi với chó mèo... nên tiêm vaccine dự phòng trước. Việc này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh dại, nếu bị chó, mèo cắn cào, mọi người chỉ cần tiêm thêm 2 mũi và không cần dùng huyết thanh kháng dại thay vì lịch tiêm 5 mũi và có thể phải sử dụng huyết thanh kháng dại nếu chưa từng tiêm. Vaccine dại hiện nay đều là các vaccine bất hoạt, sản xuất theo công nghệ mới, không chứa tế bào thần kinh nên không gây ảnh hưởng trí nhớ.

Khi bị động vật cắn, cào, liếm, trước hết bạn cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng dưới vòi nước trong ít nhất 15 phút. Sau đó, tiếp tục sát trùng bằng cồn 45-70% hoặc cồn i-ốt để giảm thiểu lượng virus dại tại vị trí vết cắn. Ngoài ra, bạn không nên khâu hoặc băng kín vết thương vì điều này có thể làm virus dại thâm nhập vào cơ thể nhanh hơn, gây nhiễm trùng nặng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tuần tới tôi đến lịch tiêm vaccine cúm, dự định tiêm thêm vaccine zona thần kinh thì có được không? Có cần lưu ý thêm gì không?
Quách Nhã Quỳnh, 40 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus cúm gây ra các triệu chứng sốt, đau họng, đau đầu, sổ mũi, nhức mỏi người, ho… Bệnh dễ lây qua đường hô hấp và có thể gây ra các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao hơn đối với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền. Còn zona thần kinh là bệnh nhiễm trùng da, do virus Varicella zoster (VZV) tái hoạt động sau khi khỏi thủy đậu. Bệnh có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, liệt mặt, ù tai, tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim...

Hiện các loại vaccine cúm và vaccine zona thần kinh được sử dụng tại Việt Nam đều là vaccine bất hoạt. Các vaccine chứa thành phần kháng nguyên của virus không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Do đó, vaccine cúm bất hoạt có thể tiêm đồng thời hoặc cùng thời điểm với nhiều loại vaccine khác. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể tiêm gộp hai vaccine này cùng lúc, trong một buổi tiêm. Việc tiêm cùng lúc nhiều loại vaccine tạo hiệu quả miễn dịch tương tự việc tiêm lẻ từng loại và không làm quá tải hệ miễn dịch. Hơn nữa, tiêm gộp nhiều mũi vaccine trong cùng một buổi tiêm sẽ giúp tạo hiệu quả miễn dịch phòng bệnh sớm, tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại.

Vaccine zona thần kinh do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất, hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, từ 70-87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Mũi tiêm cũng giúp giảm hơn 90% tình trạng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác. Người từ 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. Người từ 18 tuổi trở lên và nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.

Vaccine cúm hiện có 4 loại phòng các chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2 và dòng cúm B. Trong đó loại của Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Loại của Việt Nam dành cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vaccine cần nhắc lại 1 mũi hằng năm để cập nhật chủng virus cúm đang lưu hành.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con tôi 2 tuổi, hôm trước qua nhà họ hàng chơi có tiếp xúc với người cô 60 tuổi đang điều trị zona thần kinh. Vậy con tôi có bị lây không và cần làm gì để phòng ngừa?
Thy Thơ, 35 tuổi, Bình Dương
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Trẻ khi tiếp xúc với người mắc zona thần kinh sẽ không bị lây bệnh zona, nhưng có thể bị lây nhiễm bệnh thủy đậu. Lý do, người mắc zona thường xuất hiện các tổn thương da như bóng nước kèm theo ngứa, đau và nóng rát. Các bóng nước này chứa virus thủy đậu (Varicella-Zoster virus), có khả năng lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết. Sau khi phơi nhiễm, thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 10-21 ngày.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể mắc thủy đậu khi tiếp xúc trực tiếp với người bị thủy đậu qua các giọt bắn đường hô hấp hoặc gián tiếp qua vật dụng nhiễm virus. Theo thống kê, khoảng 90% người chưa có miễn dịch với thủy đậu có nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây.

Thủy đậu ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường biểu hiện bằng sốt, phát ban, mụn nước và phỏng rộp, gây ngứa ngáy, khó chịu. Một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não, suy đa tạng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa hiệu quả, con bạn nên được tiêm vaccine thủy đậu. Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng ngừa thủy đậu gồm Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, vaccine Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau một đến ba tháng tùy theo độ tuổi. Hai mũi giúp phòng bệnh lên đến 98%.

Ngoài phòng ngừa thủy đậu, người lớn trong gia đình bạn cũng nên chủ động phòng ngừa bệnh zona. Lý do, thủy đậu và zona thần kinh đều do virus Varicella Zoster (VZV) gây ra. Một người sau khi khỏi thủy đậu, virus VZV sẽ “ngủ đông” ở các hạch thần kinh cảm giác cột sống. Khi gặp điều kiện thuận lợi như lớn tuổi, hệ miễn dịch suy giảm, mắc bệnh nền, virus VZV sẽ kích hoạt gây bệnh zona. Hiện Việt Nam có vaccine zona thần kinh, do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất. Hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, từ 70-87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý đồng thời giảm các biến chứng hơn 90%.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi đã tiêm vaccine phế cầu 13, vậy sắp tới tôi nên tiêm phế cầu 23 hay phế cầu 15? Xin cảm ơn!
Phạm Tâm Anh Tuấn, 56 tuổi, 208/13 Bình Hưng Hòa, Bình Tân, TpHCM
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Vi khuẩn phế cầu hiện có hơn 100 tuýp huyết thanh gây ra nhiều bệnh phế cầu xâm lấn cho cả trẻ em và người lớn như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu và bệnh phế cầu không xâm lấn như viêm phổi, viêm tai giữa và viêm xoang...

Vi khuẩn này thường trú trong hầu họng của mỗi người, lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng không có triệu chứng. Bệnh phổ biến ở môi trường đông đúc như trường học, ký túc xá, viện dưỡng lão, công ty...

Hiện nay, tại hơn 220 trung tâm tiêm chủng thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC đều đang lưu hành 4 loại vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn. Bao gồm: phế cầu 10, phế cầu 13, phế cầu 23 và mới đây nhất là phế cầu 15, bắt đầu triển khai tiêm từ ngày 8/5.

Các chuyên gia và các tổ chức y tế trên thế giới khuyến cáo nên tiêm sớm và tiêm đầy đủ, kết hợp nhiều loại vắc xin phòng phế cầu ở nhiều thế hệ khác nhau là rất cần thiết để đạt hiệu quả bảo vệ tối đa.

Tốt hơn hết, bạn nên tới Trung tâm tiêm chủng VNVC gần nhất, tùy vào điều kiện dịch tễ của từng địa phương, nguy cơ mắc bệnh lý phế cầu xâm lấn... bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine phế cầu tối ưu và phù hợp với độ tuổi của bạn trong thời điểm này.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Xin bác sĩ cho biết đã bị bệnh zona thần kinh rồi thì có thể tiêm vaccine ngừa zona thần kinh được không ạ? Xin cảm ơn bác sĩ!
Hoàng Văn Bằng, 46 tuổi, quận 7 ,tphcm
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Bệnh zona thần kinh do virus varicella zoster virus (VZV) gây ra, cũng là virus gây bệnh thủy đậu. Những người bị thủy đậu lúc nhỏ, khi hết bệnh, virus này tiếp tục "ngủ đông" trong các tế bào, hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt. Sau một thời gian, khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch suy yếu, tinh thần chấn động, cơ thể suy nhược, mắc bệnh mạn tính, virus VZV sẽ có cơ hội tái phát thành zona thần kinh.

Các triệu chứng của bệnh rất điển hình như: cảm giác đau buốt, rát bỏng, châm chích tại một vùng da giới hạn, không đối xứng. Khoảng 1-3 ngày sau sẽ xuất hiện mụn nước và cảm giác đau buốt vẫn có thể diễn tiến và kéo dài sau khi điều trị khỏi sang thương mụn nước từ vài tháng đến vài năm.

Ngoài gây đau dây thần kinh kéo dài, zona thần kinh có thể gây ra các biến chứng khác như: viêm phổi; viêm gan; tổn thương dây thần kinh gây liệt mặt, ù tai; viêm kết mạc hoặc viêm loét giác mạc thậm chí mù lòa nếu vị trí zona ở hốc mắt; tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Zona thần kinh có khả năng tái phát, tỷ lệ lên đến 30% ở những người mắc bệnh nền mạn tính. Bạn đã mắc zona thần kinh vẫn có nguy cơ tái phát. Tiêm vaccien sẽ giúp phòng bệnh lên đến 97%, giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%. Lịch tiêm vaccine gồm 2 mũi cách nhau 1-2 tháng.

Bạn nên đến cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi mới mang thai, muốn tiêm phòng bệnh ho gà để bảo vệ em bé, nhờ bác sĩ tư vấn lịch tiêm phù hợp ạ. Cảm ơn bác sĩ!
Thái Hà, 35 tuổi, Hòa Bình
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Bệnh có triệu chứng điển hình là cơn ho dữ dội, không dứt, đỏ mặt, tím môi, có tiếng rít ở cuối cơn ho.

Bệnh này rất dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc lây gián tiếp qua bề mặt tiếp xúc. Trẻ sơ sinh thuộc nhóm đối tượng dễ mắc ho gà và có thể gặp biến chứng nặng như: viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy hô hấp, tăng áp phổi, tử vong.

Hiện có các vaccine phòng bệnh ho gà cho trẻ như 5 trong 1, 6 trong 1, tiêm từ 2 tháng tuổi, sớm nhất từ 6 tuần tuổi. Tuy nhiên, trước giai đoạn được tiêm vaccine, trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao. Do đó, mẹ bầu được khuyến cáo tiêm vaccine có thành phần ho gà trong thai kỳ để truyền kháng thể thụ động, bảo vệ con trong giai đoạn đầu đời, khi chưa có miễn dịch chủ động từ vaccine. Việt Nam có vaccine phòng bệnh phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván. Mẹ bầu cần tiêm 1 mũi vào tuần thai thứ 27 đến 36. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tiêm thêm vaccine ngừa cúm trong thai kỳ để phòng bệnh, tránh ảnh hưởng sức khỏe của bản thân và thai nhi.

Bạn nên đến Trung tâm tiêm chủng VNVC gần nhất để được bác sĩ tư vấn thời điểm thích hợp tiêm vaccine theo thể trạng và lịch trình công việc, đảm bảo sức khỏe trong suốt thai kỳ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi muốn tiêm vaccine thủy đậu cho con 8 tuổi thì có được không? Nếu tiêm được thì lịch tiêm cho con sẽ thế nào? Cảm ơn bác sĩ!
Ngô Quyền, 42 tuổi, Bù Đăng, Bình Phước
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do Varicella Zoster (VZV) gây ra. Trẻ nhỏ thuộc nhóm dễ lây nhiễm bệnh. Lý do, thủy đậu dễ lây qua đường hô hấp do hít phải giọt bắn mũi họng từ người bệnh. Đồng thời, mầm bệnh lây thông qua tiếp xúc với dịch bóng nước trên da vỡ ra dính vào các vật dụng như quần áo, bàn ghế, đồ chơi, bát đũa, ly uống nước. Thời gian lây truyền bệnh sẽ bắt đầu khoảng 1-2 ngày trước khi các phát ban xuất hiện và kéo dài khoảng 1 tuần cho đến khi mụn nước khô và đóng mài.

Cao điểm bệnh thủy đậu rơi vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm. Con bạn năm nay 8 tuổi, nếu chưa được bác sĩ chẩn đoán mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine phòng bệnh thì nên tiêm càng sớm càng tốt.

Hiện Việt Nam có vaccine phòng ngừa thủy đậu gồm: Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn, Varivax (Mỹ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau một đến ba tháng tùy theo độ tuổi. Hai mũi giúp phòng bệnh lên đến 98%.

Con bạn 8 tuổi, có thể chọn một trong ba vaccine trên để tiêm. Lịch tiêm của trẻ sẽ gồm hai mũi, cách nhau một đến ba tháng.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Sốt xuất huyết đang vào mùa, tôi muốn phòng bệnh cho cả nhà thì cách nào là hiệu quả nhất? Nếu tiêm vaccine sốt xuất huyết bây giờ thì có đủ thời gian để tạo kháng thể không?
Tuyết, 35 tuổi, Đà Lạt, Lâm Đồng
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Ngoài loại bỏ nơi sinh sản và nơi ở của muỗi, tránh để muỗi chích bằng mặc quần áo dài, ngủ mùng ngay cả ban ngày, phun hóa chất diệt muỗi, tuân thủ việc điều trị thì cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine sốt xuất huyết, được Bộ Y tế, WHO, CDC Mỹ và các nghiên cứu trên thế giới chứng minh.

Hiện Việt Nam đã có vaccine phòng ngừa đầy đủ 4 type huyết thanh virus gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4 tại Việt Nam. Vaccine Qdenga do hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất, chỉ định cho trẻ từ 4 tuổi đến người lớn. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine này trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.

Vaccine sốt xuất huyết có hiệu quả phòng ngừa bệnh lên đến hơn 80% và giảm nguy cơ nhập viện hơn 90%, hiện chỉ triển khai tại tiêm chủng dịch vụ.

Sốt xuất huyết đang vào mùa, bạn và gia đình tiêm bây giờ vẫn có đủ thời gian tạo kháng thể phòng bệnh. Sau tiêm, vaccine sốt xuất huyết cần trung bình hai tuần để tạo kháng thể bảo vệ. Mỗi người cần tiêm đủ hai mũi vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối đa. Việc này giúp giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, biến chứng, tốn kém chi phí điều trị.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Rửa sạch vết thương dưới vòi nước 15 phút khi bị chó cắn có làm hết virus dại không?
Hoàng, 71 tuổi, Hòa Vang - Đà Nẵng
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Virus dại được bao bọc bởi một lớp màng lipid. Rửa sạch vết thương với xà phòng dưới vòi nước liên tục trong 15 phút sau khi bị chó cắn, cào sẽ giúp rửa trôi một phần virus dại ở vị trí vết cắn chứ sẽ không làm sạch hoàn toàn virus dại, từ đó giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh dại nhanh chóng. Sau đó, vết thương cần được sát trùng với cồn 70% hoặc cồn i ốt. Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại là cách phòng bệnh duy nhấtt và hiệu quả nhất hiện nay. Vì vậy, sau khi rửa sạch vết thương, bạn nên đến cơ sở y tế để bác sĩ cắn cứ vết thương để tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại phù hợp.

Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Người bị động vật cắn, cào tiêm với phác đồ 5 mũi, vào các ngày 0-3-7-14-28, đường tiêm ở bắp. Hoặc 8 mũi vào ngày 0-3-7-28, với đường tiêm trong da.

Trong trường hợp chủ động tiêm ngừa khi chưa bị động vật cắn, phác đồ gồm ba mũi cơ bản (các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28) và các mũi tiêm nhắc dành cho người có nguy cơ cao tiếp xúc virus dại làm trong phòng thí nghiệm, thám hiểm hang động, trẻ thường xuyên chơi với chó mèo... Vaccine dại hiện nay đều là các vaccine bất hoạt, sản xuất theo công nghệ mới, không chứa tế bào thần kinh nên không gây ảnh hưởng trí nhớ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con tôi lúc nhỏ có tiêm vaccine Rotavin (Việt Nam) ở xã vào ngày 30/7/2024, sau đó lên tiêm phế cầu vào ngày 07/8/2024 ở Trung tâm VNVC có sao không?
Nguyễn Thúy Nga, 21 tuổi, Hải Yến Hải Thắng Tiên Lữ Hưng Yên
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Vaccine Rotavin (Việt Nam) phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus, được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến trước 6 tháng tuổi với lịch uống 2 liều liên tiếp cách nhau tối thiểu 4 tuần. Còn vaccine phế cầu là vaccine tiêm phòng bệnh do vi khuẩn phế cầu gây ra như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết... Trẻ có thể tiêm vaccine phòng phế cầu từ 6 tuần tuổi.

Con bạn đã uống vaccine Rota virus, sau đó tiêm thêm vaccine phế cầu 8 ngày sau hoàn toàn không ảnh hưởng sức khỏe. Thực tế, hai loại vaccine này vẫn còn có thể tiêm và uống gộp trong một buổi tiêm vẫn an toàn.

Bên cạnh đó, hai loại vaccine này hoạt động theo cơ chế riêng biệt và tác động lên các hệ cơ quan khác nhau. Do đó, việc sử dụng cùng lúc không gây ra sự can thiệp lẫn nhau, giúp đảm bảo hiệu quả miễn dịch cũng như an toàn cho trẻ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi đã từng tiêm phòng vaccine thủy đậu lúc nhỏ và chưa mắc bệnh thủy đậu, vậy có cần tiêm vaccine phòng zona nữa không? Vì hai bệnh này đều do cùng một virus gây ra. Mong bác sĩ tư vấn.
Kim Uyên, 35 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Cả thủy đậu và zona thần kinh đều có căn nguyên từ virus Varicella-zoster (VZV) gây ra. Người nhiễm virus lần đầu phát triển thành bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, virus vẫn "ẩn náu" trong các hạch thần kinh, tái hoạt động sau nhiều năm, gây ra zona.

Bạn đã từng tiêm vaccine thủy đậu, song vẫn cần chủng ngừa thêm vaccine zona thần kinh. Lý do, vaccine thủy đậu kích thích cơ thể sinh kháng thể, hạn chế nhiễm virus varicella phát triển bệnh zona thần kinh sau này chứ không phòng ngừa hoàn toàn bệnh. Một số người có thể đã nhiễm virus mà không có triệu chứng rõ ràng, nên không được phát hiện, làm tăng nguy cơ phát triển zona về sau. Trong những trường hợp này, vaccine thủy đậu không còn tác dụng. Bên cạnh đó, vaccine thủy đậu dù có hiệu quả cao vẫn không đạt bảo vệ 100% như các loại vaccine khác, vẫn có tỷ lệ nhỏ người mắc bệnh nhưng không nghiêm trọng so với chưa tiêm vaccine. Những người mắc bệnh này vẫn có nguy cơ phát triển bệnh zona thần kinh.

Hiện Việt Nam có vaccine phòng zona thần kinh Shingrix do hãng dược GSK (Bỉ) sản xuất. Hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, đến 87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Vaccine đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và biến chứng khác hơn 90%. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 1-2 tháng tùy đối tượng tiêm.

Mũi tiêm chỉ định cho người từ 50 tuổi trở lên hoặc người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh. Loại này cần tiêm cách liều vaccine thủy đậu trước đó tối thiểu 8 tuần.

Ngoài vaccine, bạn cần nâng cao thể trạng tổng thể bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Em bị một con dơi bay đâm vào gót chân. Khi ấy em có mặc một quần dài vải mỏng che kín. Sau đó, em đi rửa với xà phòng 10 phút và thử vắt chanh vào thì không thấy xót. Em cũng chỉ mong rằng sẽ không gây ra vết thương, vết xước. Trường hợp của em có cần tiêm vaccine phòng dại không? ...
Trần Văn Hoàng, 19 tuổi, Thái Bình
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Dơi là động vật có vú máu nóng, có thể lây virus dại cho người thông qua nước bọt hoặc nước tiểu dính vào vết thương hở, niêm mạc mắt, mũi, miệng. Theo CDC Mỹ, dơi là loài động vật thường được báo cáo mắc bệnh dại cao nhất tại nước này. Hầu hết những người ở Mỹ tử vong vì bệnh dại đều tiếp xúc với dơi mắc bệnh dại. Bệnh biểu hiện lâm sàng gồm sợ nước, gió, co giật, liệt và tử vong. Gần 100% người và động vật mắc bệnh đều tử vong.

Bạn mô tả tình huống bị dơi bay đâm vào gót chân nhưng chưa gây ra vết thương, vết xước nhìn thấy ngoài da, bạn có thể yên tâm không bị lây nhiễm virus dại, không cần tiêm vaccine. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy quá lo lắng về tình trạng của mình, bạn có thể đến cơ sở tiêm chủng để bác sĩ xem xét và tư vấn.

Lần sau bạn lưu ý khi có vết thương ngoài da do động vật gây ra, bạn không nên vắt chanh hay tác động lên vết thương vì sẽ làm vết cắn bị nhiễm trùng, kéo dài thời gian chữa trị. Bạn nên rửa sạch vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng, bạn có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iốt. Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine huyết thanh là cách phòng bệnh duy nhất. Hiện Việt Nam có hai loại ngừa dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Người bị động vật cắn, cào tiêm với phác đồ 5 mũi, vào các ngày 0-3-7-14-28, đường tiêm ở bắp. Hoặc 8 mũi vào ngày 0-3-7-28, với đường tiêm trong da.

Trong trường hợp chủ động tiêm ngừa khi chưa bị động vật cắn, phác đồ gồm ba mũi cơ bản (các ngày 0-7-21 hoặc 0-7-28) và các mũi tiêm nhắc dành cho người có nguy cơ cao tiếp xúc virus dại làm trong phòng thí nghiệm, thám hiểm hang động, trẻ thường xuyên chơi với chó mèo... Vaccine dại hiện nay đều là các vaccine bất hoạt, sản xuất theo công nghệ mới, không chứa tế bào thần kinh nên không gây ảnh hưởng trí nhớ.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con tôi 7 tuổi, đã bị sốt xuất huyết 3 tháng trước thì có cần tiêm ngừa vaccine nữa không?
Hoa Hoa, 26 tuổi, Bến Tre
BS.CKI Nguyễn Lê Nga

Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi vằn, chủ yếu là muỗi Aedes aegypty đốt người bệnh mang virus Dengue và truyền sang cho người lành thông qua vết đốt. Sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh khác nhau gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Một người có thể nhiễm và tái nhiễm với cả 4 type huyết thanh này.

Hiện Việt Nam có vaccine phòng đầy đủ 4 type huyết thanh virus sốt xuất huyết, có hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh (bao gồm cả trường hợp tái nhiễm) đến hơn 80% và nguy cơ nhập viện hơn 90%. Vaccine tiêm cho trẻ từ 4 tuổi và người lớn. Lịch tiêm hai mũi cách nhau ba tháng. Phụ nữ dự định sinh con nên tiêm vaccine trước ba tháng hoặc tối thiểu một tháng trước khi mang thai.

Theo thông tin kê toa của nhà sản xuất vaccine sốt xuất huyết, người đã mắc sốt xuất huyết phải cần đủ 6 tháng mới được tiêm vaccine phòng ngừa. Lý do, trong khoảng thời gian này, cơ thể vẫn còn miễn dịch tự nhiên, có thể làm giảm hiệu quả đáp ứng miễn dịch của vaccine. Con bạn mới khỏi bệnh 3 tháng thì không nên tiêm vaccine sốt xuất huyết, chờ đủ 6 tháng hãy tiêm để thuốc phát huy tác dụng bảo vệ hiệu quả nhất.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Tôi bị chó nhà nuôi cào, trầy nhẹ thì có phải tiêm vaccine dại không?
Hòa Bình, 37 tuổi, Đồng Nai
THS.BS Ngô Thị Kim Phượng

Quản lý vùng Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Dại là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, gần 100% tử vong khi phát bệnh dại. Bệnh thường tăng cao vào mùa nóng, nhất từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Bệnh lây khi chó, mèo mang virus dại cắn, cào, liếm lên vết thương hở.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, cả nước có 20 người tử vong do bệnh dại, rải rác ở nhiều tỉnh thành. Nhiều địa phương liên tục ghi nhận ca nhiễm dại trên người và chó, trong đó có tỉnh Đồng Nai nơi bạn sinh sống.

Trường hợp của bạn có vết xước, trầy nhẹ trên da, virus có thể xâm nhập vào cơ thể. Do đó, bạn không nên chủ quan mà hãy đến cơ sở y tế để được tiêm chủng phòng bệnh. Tùy theo tình trạng vết thương và việc theo dõi được con vật trong 10 ngày, bác sĩ có thể chỉ định dừng tiêm khi bạn tiêm được 3 mũi. Nếu con vật không bị mắc bệnh dại, nhờ tiêm vaccine, cơ thể vẫn tạo được kháng thể bảo vệ bạn sau này. Ví dụ, lần sau nếu bạn bị chó, mèo cắn cào nhưng đã tiêm đủ 3 mũi, bạn chỉ cần tiêm thêm 2 mũi vaccine và không cần dùng huyết thanh kháng dại.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

Con tôi 18 tháng chưa kịp tiêm sởi do mỗi lần định đi tiêm thì con ốm, giờ con bớt rồi tôi cho con đi tiêm có kịp không?
Hai Tây, 30 tuổi, Đồng Tháp
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm

Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Chào bạn!

Virus sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Thời gian ủ bệnh khoảng 12-21 ngày, sau đó phát ban và lây vào thời gian trước 4 ngày và 4 ngày sau khi phát ban. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị bệnh sởi, đặc biệt nhiều trường hợp người lớn đi lại và trở thành nguồn lây bệnh cho trẻ nhỏ. Vì vậy, tiêm chủng là cách hiệu quả giúp phòng ngừa và giảm các biến chứng nặng do sởi.

Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine ngừa sởi cho trẻ em và người lớn, bao gồm: loại sởi đơn MVVAC (Việt Nam) có trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ; loại phối hợp ngừa sởi - rubella MRVAC (Việt Nam) có trong tiêm chủng mở rộng; loại phối hợp 3 trong 1 ngừa sởi - quai bị - rubella gồm Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ) chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ.

Trong bối cảnh dịch sởi lan rộng, vaccine phòng sởi được Bộ Y tế cho phép tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi (mũi 0 - mũi sởi chống dịch) nhằm bảo vệ trẻ từ sớm. Đến 9 tháng và sau 12 tháng, trẻ cần tiếp tục lộ trình tiêm chủng theo thông thường để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh tối ưu và duy trì miễn dịch bền vững.

Con của bạn đã 18 tháng tuổi nên được tiêm ngừa ngay khi có thể và đủ liệu trình tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 là 3 tháng, khuyến cáo tiêm nhắc 1 mũi sau mũi 2 là 3 năm hoặc khi trẻ đủ 4-6 tuổi.

Hiệu quả vaccine lên đến 98% khi tiêm đủ hai mũi.

Cùng với đó, bạn cần giúp bé vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên; sát khuẩn họng, miệng; ăn uống đủ dinh dưỡng... Gia đình nên thường xuyên vệ sinh nơi ở, nơi làm việc; đi khám và cách ly ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh.

Cảm ơn câu hỏi của bạn.

Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

vaccine

Bạn đã được chuyển sang trang đăng ký của VNVC, đối tác VnExpress