Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do virus Influenza lây nhiễm vào mũi, họng và phổi. Không chỉ tấn công hệ hô hấp, virus cúm còn tác động đến hệ miễn dịch, kích hoạt phản ứng viêm, gây đau nhức toàn bộ cơ thể, nhất là ở cơ và khớp.
ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, khoa Nội Cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vùng cơ xương khớp của người bệnh xương khớp, mạch máu và tế bào vốn đã bị tổn thương. Nếu virus cúm tấn công có thể để lại di chứng đau nhức, yếu cơ, viêm khớp. Vì vậy, người bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp... dễ bị bùng phát cơn đau, làm trầm trọng các triệu chứng khi mắc thêm cúm.
Khi cúm tiến triển nặng, người bệnh có thể phải dùng các thuốc điều trị ảnh hưởng đến hệ thống cơ, khiến hệ cơ xương khớp yếu đi ngay cả khi đã khỏi bệnh. Trong quá trình chống lại virus gây bệnh, hệ miễn dịch sản sinh ra cytokine. Đây là những protein nhỏ có thể phá hủy protein trong cơ bắp, làm cho người lớn tuổi nhiễm cúm bị đau nhức mỏi kéo dài.
![Bác sĩ Thư giải thích tình trạng xương khớp cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/taan9517-jpg-1739258980-173925-6921-2368-1739259207.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ycT8_TKRc0WsyX65oiHJ7g)
Bác sĩ Thư giải thích tình trạng xương khớp cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Tại Việt Nam, cúm mùa thường lưu hành quanh năm, nhưng có xu hướng tập trung vào mùa đông xuân, đỉnh điểm có thể khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10. Bác sĩ Thư lưu ý mọi người đều có nguy cơ mắc cúm, không nên chủ quan song cũng không cần lo lắng quá mức. Thông thường, người bệnh đều khỏi sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế.
Trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và người bệnh nền như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp tự miễn... có nguy cơ mắc cúm và phát triển thành biến chứng cao. Những nhóm này cần theo dõi sát sao các triệu chứng vì cúm có thể gây biến chứng làm bệnh xương khớp trở nặng, tổn thương tim phổi, tử vong.
Người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng cúm hàng năm để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ mắc bệnh. Các biện pháp hạn chế lây lan virus như sau:
Rửa tay đúng cách và thường xuyên là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm thông thường, bao gồm cúm mùa. Có thể sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn hoặc xà phòng...
Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi để tránh làm nhiễm bẩn bàn tay. Hãy ho, hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào bên trong khuỷu tay.
Tránh đám đông khi cúm vào mùa cao điểm, do virus dễ lây lan ở nơi tụ tập đông người như nhà trẻ, trường học, văn phòng, khu vực công cộng.
Kịp thời đi khám để điều trị nếu thời gian bệnh kéo dài hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường, tránh các biến chứng.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |