Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp tự miễn mạn tính, do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Bệnh làm cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau. Nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh có nguy cơ tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác như mắt, tim, phổi, da, mạch máu...
ThS.BS Nguyễn Văn Tú, khoa Nội Cơ xương khớp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây bệnh, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, người bệnh tuân thủ điều trị sẽ giảm nhẹ triệu chứng, có thể giảm mức độ đau gần như hoàn toàn, ngăn bệnh tiến triển nặng và phát sinh biến chứng, trở lại sinh hoạt bình thường.
Dưới đây là một số thói quen tốt giúp kiểm soát bệnh hiệu quả.
Tuân thủ chỉ định của bác sĩ: Người bệnh cần uống thuốc đầy đủ, theo toa và khám định kỳ, kể cả khi các triệu chứng có dấu hiệu cải thiện. Điều trị viêm khớp dạng thấp cần phải tuân thủ đủ thời gian thì mới có thể phát huy tác dụng tốt nhất.
Tập thể dục phù hợp: Tình trạng đau cứng khớp có thể nảy sinh tâm lý ngại di chuyển. Tuy nhiên, người bệnh nên cố gắng duy trì vận động. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, duy trì sự linh hoạt của các khớp. Một số bài tập phù hợp với người bệnh viêm khớp dạng thấp như kéo giãn, bơi, đi bộ, yoga...
![Bác sĩ Tú kiểm tra tình trạng chức năng khớp người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/01/04/thumb-5x3-1735968006-173596803-4555-7561-1735971221.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cdUOIcPS0Kif3rFh5hNH0w)
Bác sĩ Tú kiểm tra tình trạng chức năng khớp người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Ăn uống khoa học: Chế độ ăn uống cân bằng có hiệu quả chống viêm tốt, từ đó giúp giảm đau và cứng khớp. Người bệnh nên tăng cường các loại thực phẩm chứa các nhóm dinh dưỡng như axit béo omega-3 (cá thu, cá hồi, hạt lanh, quả óc chó...), chất chống oxy hóa (trái cây và rau quả nhiều màu sắc), vitamin hoặc khoáng chất.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Thừa cân, béo phì là tình trạng rất thường gặp ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Càng nhiều tế bào mỡ, cytokine giải phóng càng nhiều, tình trạng viêm nghiêm trọng hơn, làm tăng nặng các triệu chứng bệnh. Do đó, người bệnh nên cố gắng duy trì cân nặng lành mạnh bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động thường xuyên để giảm triệu chứng và nguy cơ phát triển thành biến chứng.
Sinh hoạt đúng tư thế: Tư thế tốt đặc biệt quan trọng với người bệnh viêm khớp dạng thấp. Sinh hoạt sai tư thế, ngay cả khi đang ngồi cũng có thể làm căng thẳng các khớp, gây đau và mệt mỏi. Do đó, người bệnh cần duy trì tư thế sinh hoạt đúng, không nên đứng hoặc ngồi quá lâu, tránh các động tác lặp lại liên tục như thái hạt lựu, gõ bàn phím...
Trang phục phù hợp: Mặc quần áo thoải mái, tránh những kiểu trang phục có khuy quá nhỏ, hạn chế mang giày cao gót...
![Tập thể dục thường xuyên ở cường độ phù hợp giúp kiểm soát bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/01/04/giai-chay-tam-anh-marathon-8-1-2328-5338-1735968139.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=M5N_Qr-yoW2Y4gthWHJxUA)
Tập thể dục thường xuyên ở cường độ phù hợp đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Tú cho biết khi tổn thương khớp do viêm khớp dạng thấp đã diễn ra trong thời gian dài mà không được điều trị đầy đủ, tổn thương khớp nghiêm trọng thì phẫu thuật là phương pháp duy nhất có thể phục hồi khả năng vận động. Bác sĩ thay thế phần khớp bị tổn thương bằng khớp nhân tạo, trong đó tổn thương các khớp lớn như khớp gối và khớp háng được chỉ định phẫu thuật thay thế nhiều nhất.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM áp dụng phần mềm Traumacad tổng hợp thông tin, giúp chọn lựa khớp nhân tạo phù hợp với người bệnh; những kỹ thuật mổ ít xâm lấn SuperPath, ABMS bảo tồn tối đa các mô mềm xung quanh... nên sau mổ. Nhờ đó, người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng, thậm chí đi lại chỉ sau phẫu thuật một ngày.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |