Những người bị viêm khớp vẩy nến (PsA) có thể có các triệu chứng của cả bệnh vẩy nến và viêm khớp. Tình trạng này gây viêm lan rộng và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể, bao gồm cả thị lực, tiêu hóa, hô hấp và vận động.
Da, tóc, móng
Bệnh vẩy nến đẩy nhanh vòng đời của tế bào da. Các tế bào mới di chuyển đến lớp ngoài của da trong vài ngày thay vì vài tuần. Những tế bào mới này nhanh chóng tích tụ trên da để tạo thành các mảng ngứa, có vảy đặc trưng cho bệnh vẩy nến.
Một số triệu chứng của bệnh vẩy nến mảng bám (loại phổ biến nhất) gồm: các mảng da sần sùi, có vảy; thay đổi màu da; vảy trên da đầu có thể giống gàu; móng dày; móng tay gồ ghề, rỗ hoặc vỡ vụn; ngứa và đau... Các triệu chứng về da thường ảnh hưởng đến khuỷu tay, đầu gối, lưng dưới và da đầu, nhưng có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Các triệu chứng về móng xảy ra ở phần lớn người bị PsA, cho dù họ có bị bệnh vẩy nến hay không.
Hệ cơ xương
Phản ứng miễn dịch liên quan đến bệnh vẩy nến và PsA gây viêm khớp, ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương theo nhiều cách. Theo Học viện Da liễu Mỹ, các triệu chứng ban đầu của PsA có thể bao gồm: sưng và đau ở khớp, nhất là ở ngón tay hoặc ngón chân; đau gót chân; cứng khớp khi thức dậy và tình trạng này sẽ cải thiện trong ngày. PsA cũng có thể gây viêm ở lưng và xương chậu hay ảnh hưởng đến sụn, dây chằng và gân xung quanh khớp.

Bệnh viêm khớp vẩy nến ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương gây đau. Ảnh: Freepik
Hệ miễn dịch
Hệ thống miễn dịch chống lại mầm bệnh như vi khuẩn và virus. Ở một người mắc bệnh tự miễn dịch, nó sẽ tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh. PsA là tình trạng hệ thống miễn dịch tấn công các khớp, gân, các điểm chèn của gân và dây chằng.
Các nhà nghiên cứu chưa hiểu rõ nguyên nhân của tình trạng này. Họ cho rằng một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, gồm cả viêm họng liên cầu khuẩn, có thể kích hoạt PsA. Ngoài ra, nếu một người có tính nhạy cảm di truyền có thể phát triển PsA do căng thẳng nghiêm trọng, chấn thương thể chất hoặc một sự kiện khiến hệ thống miễn dịch phản ứng mạnh.
Mắt và thị lực
Viêm trong và xung quanh mắt sẽ ảnh hưởng đến thị lực. Một số người bị bệnh vẩy nến có thể bị viêm màng bồ đào, một bệnh lý ở mắt. Bệnh này phổ biến hơn ở những người mắc bệnh PsA so với những người chỉ mắc bệnh vẩy nến. Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến mất thị lực. Những người bị PsA nên khám mắt thường xuyên.
Hệ tiêu hóa
Bệnh viêm ruột (IBD) như bệnh Crohn và PsA có mối liên hệ với nhau vì viêm là cơ sở của cả hai tình trạng này. IBD gây tiêu chảy và các triệu chứng tiêu hóa khác. Những người mắc PsA có nguy cơ mắc IBD cao hơn đáng kể. Bệnh vẩy nến phổ biến hơn gấp 8 lần ở những người mắc Crohn.
Hệ hô hấp
Theo các nhà nghiên cứu, những người mắc bệnh PsA có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cao hơn. Họ cũng cho rằng COPD và các loại viêm khớp khác nhau có mối liên hệ nhưng cần nghiên cứu thêm để hiểu lý do tại sao điều này xảy ra.
Hệ tim mạch
Những người bị PsA có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người không mắc bệnh này. Theo thông tin của Đại học Tim mạch Mỹ, chứng viêm mạn tính làm hỏng các mạch máu bằng cách làm cho chúng dày và cứng hơn, gây ra sẹo, được gọi là xơ vữa động mạch. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đau thắt ngực, đau tim hoặc đột quỵ.
Trong số những người bị PsA, tỷ lệ mắc hội chứng chuyển hóa cũng cao hơn, bao gồm các tình trạng như béo phì, huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao. Điều này có thể gây thêm căng thẳng cho các mạch máu và hệ thống tim mạch.
Sức khỏe tâm thần
PsA có thể ảnh hưởng đến tinh thần và cảm xúc. Các triệu chứng như đau và mệt mỏi cùng các vấn đề sức khỏe liên quan khác làm tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm ở người bệnh.
Viêm khớp vẩy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng sử dụng thuốc có thể giúp kiểm soát và ngăn ngừa tổn thương khớp tiến triển hoặc thực hiện vật lý trị liệu; xoa bóp trị liệu; châm cứu... hay phẫu thuật thay khớp khi tổn thương nghiêm trọng. Việc thay đổi lối sống như duy trì cân nặng vừa phải, thường xuyên tập thể dục như yoga, thái cực quyền... cũng rất hữu ích.
Như Ý (Theo Medical News Today)