Chào bác sĩ, tôi năm nay 55 tuổi. Từ nhỏ đến giờ, mỗi lần làm việc tuy nhẹ nhàng nhưng tôi thường đổ mồ hôi rất nhiều so với người khác cùng làm công việc đó. Tôi không hiểu tại sao lại có tình trạng này. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi nguyên nhân và cách điều trị. Tôi xin cảm ơn!
Anh Quang Bảo thân mến
Trường hợp anh bị đổ mồ hôi nhiều so với người khác có thể là do rối loạn thần kinh giao cảm. Hiện nay, khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM có điều trị tăng tiết mồ hôi bằng phương pháp cắt đốt hạch giao cảm qua nội soi, hiệu quả và an toàn trên 90% trường hợp. Chúng tôi mong có thể gặp anh để được trực tiếp thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị cụ thể cho anh.
Mẹ mình bị đau ở bắp chân nhưng dù cho xoa dầu hay làm gì cũng không hết, và còn đau muốn khóc xin hỏi căn bệnh này có cần đi khám không? Mình muốn hỏi cách chữa, mẹ mình nói đau trong xương rồi mới lan ra ngoài.
Chào em,
Theo thông tin em chia sẻ, mẹ em đau bắp chân nhiều như vậy nên đưa mẹ đi bệnh viện thăm khám tìm nguyên nhân. Đau bắp chân có thể do bệnh lý mạch máu (tắc mạch, huyết khối, viêm mạch máu, suy giãn tĩnh mạch), do cơ, xương, thần kinh (viêm, u). Bác sĩ cần khám trực tiếp người bệnh và làm một số xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh. Khi đã tìm ra nguyên nhân thì mới có cách điều trị hiệu quả.
Tôi bị hẹp động mạch cảnh 7% động mạch cảnh chung thì có nguy hiểm không ạ? Xin cám ơn.
Chào chị Ly
Hẹp động mạch cảnh (động mạch dẫn máu lên não) được chẩn đoán dựa vào siêu âm mạch máu, chụp CT mạch cản quang hoặc chụp DSA mạch cảnh. Trường hợp hẹp >70% được coi là hẹp nặng cần khám chuyên khoa Tim mạch và Nội Thần kinh để xem xét chỉ định can thiệp mổ hay nong động mạch cảnh. Nếu hẹp < 70% thì điều trị nội khoa bằng thuốc với các thuốc chống xơ vữa động mạch, ngừa nhồi máu não và kiểm soát tốt các bệnh nội khoa khác kèm theo.
Hồi 5 tuổi em phải mổ tim bẩm sinh, bây giờ em đến tuổi lập gia đình. Vậy em xin hỏi các bác sĩ là nếu sinh đẻ thì sức khoẻ của em có ảnh hưởng gì không ạ?
Chào bạn,
Việc mang thai trên bệnh nhân mắc tim bẩm sinh là vấn đề phức tạp. Để đưa ra lời khuyên phù hợp, các bác sĩ cần biết được nhiều thông tin, chẳng hạn như thể bệnh tim bẩm sinh của bạn, yếu tố di truyền trong gia đình, tình trạng tăng áp lực mạch phổi. Và trong nhiều tình huống, nếu tim bẩm sinh có kèm tăng áp lực mạch phổi thì bệnh nhân sẽ được khuyên không nên mang thai. Do đó, để có câu trả lời chính xác nhất, bạn nên đến những cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên sâu về tim bẩm sinh để được tư vấn hỗ trợ một cách chính xác và phù hợp. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ chuyên môn và trang thiết bị tim mạch chuyên sâu, đồng bộ sẽ là một địa chỉ tin cậy mà bạn có thể chọn lựa.
Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 028 7102 6789 (TP.HCM) để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Thân mến!
Bác sĩ cho tôi hỏi, tại sao khi tôi ngủ mà nằm úp thì lại dễ chịu hơn (từ nhỏ tôi đã như vậy). Hiện nay tôi nếu nằm ngửa thì không nằm gối do cảm giác máu nên não thiếu gây khó chịu. Bác sĩ tư vấn giúp cách lắng nghe cơ thể thông qua lắng nghe về tính chất cơ lý hoặc biểu ...
Chào anh,
Các dấu hiệu của anh mô tả có thể là triệu chứng của bệnh xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh (chóng mặt, cảm giác mất tập trung...). Do đó để chẩn đoán các bệnh lý này, anh có thể đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm động mạch cảnh và đánh giá thêm các xét nghiệm cần thiết khác giúp phát hiện bệnh và điều trị một cách hợp lý.
Bé nhà em được 23 ngày tuổi thì bị vàng da, nhập viện thì phát hiện bị tim và phổi. Tim bé bị bất tương hợp đôi, vấp, bất thường mạch vành, bác sĩ siêu âm giải thích 2 đường máu bị sai ở giữa nhưng đi ra thì đúng nên bình thường không can thiệp, khi lớn suy tim sẽ ghép tim. Bác sĩ ...
Chào chị,
Trường hợp con của chị khá phức tạp. Bất tương hợp đôi là bệnh tim bẩm sinh đặc biệt. Máu từ nhĩ trái đi qua thất phải, sau đó máu từ thất phải đi qua động mạch chủ và ngược lại máu từ nhĩ phải đi qua thất trái, máu từ thất trái đi qua động mạch phổi. Cho đến nay, bệnh bất tương hợp đơn hay hoán vị đại động mạch có thể mổ và sửa với những bác sĩ có kinh nghiệm, nhưng bất tương hợp đôi lại phức tạp hơn nhiều.
Trường hợp con chị vừa có bất tương hợp đôi vừa có thông liên thất, cháu lại khó thở khi bú và bú không được nhiều thì tôi nghĩ có suy tim. Chị cần đưa bé đến thăm khám ở nơi có chuyên khoa sâu, sau đó lên phác đồ điều trị chuyên sâu. Có những trường hợp không làm được gì hơn nhưng cũng phải đóng thông liên thất để đỡ suy tim và sau đó tiếp tục điều trị, còn việc mổ thì tôi nghĩ rất phức tạp.
Dấu hiệu bệnh tim mạch tuổi 30 là gì ạ?
Chị Le thân mến,
Các dấu hiệu gợi ý bệnh tim mạch bao gồm: mệt, đau ngực, khó thở, hồi hộp, ngất hoặc gần ngất, tím, phù chân, ăn đầy hơi khó tiêu... Các triệu chứng thường xảy ra khi gắng sức, về sau tăng dần về mức độ và thời gian khi bệnh tiến triển. Cho nên khi thấy cơ thể có dấu hiệu nào bất thường báo động thì chúng ta nên đến bệnh viện khám kiểm tra tổng quát để tìm nguyên nhân. Từ đó bác sĩ có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp. Chúc chị sức khỏe!
Tôi bị huyết áp cao, thỉnh thoảng mất trí nhớ tức thì. Cho tôi hỏi cách xử lý trong trường hợp này ra sao?
Chào bạn,
Tăng huyết áp phát hiện ở độ tuổi 37 (gọi là tăng huyết áp ở người trẻ) là một vấn đề cần đánh giá một cách tỉ mỉ, toàn diện và chuyên sâu. Đặc biệt, khi tăng huyết áp này có kèm theo một số biến chứng như bệnh mạch vành tim, đột quỵ não thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn.
Việc mất trí nhớ tức thì của bạn, nếu đúng, có thể là dấu hiệu của một tổn thương não thoáng qua, hoặc một số bệnh lý thần kinh khác. Do đó, cách xử lý phù hợp trong tình huống này là bạn nên đến các đơn vị y tế có khám tim mạch chuyên sâu để được tiến hành các xét nghiệm và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tim mạch, thần kinh. Khi có đầy đủ thông tin, các bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên phù hợp.
Hiện cháu thường xuyên bị đánh trống ngực, kèm cảm giác tê đầu và choáng, chỉ cần thay đổi tư thế thôi là đã thấy tình trạng đánh trống ngực xuất hiện. Đôi khi thấy tim bỏ nhịp, cháu cảm thấy tim đập mạnh nhưng không nhanh.
Tình trạng này xảy ra khiến cháu rất mệt mỏi. Xin hỏi bác sĩ cháu có thể ...
Chào em,
Em hay bị hồi hộp, tim đánh trống ngực, thỉnh thoảng lại thấy tim bỏ nhịp, đập mạnh, nguyên nhân có thể liên quan tới các rối loạn nhịp tim. Vì vậy, em nên tới bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám và tư vấn chi tiết nhé. Chúc em luôn mạnh khỏe!
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, em có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 (tại TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Bà em năm nay 72 tuổi có bị tai biến liệt nửa người năm 1998, có đặt stent tim, bị mỡ máu và tăng huyết áp cao và phải uống thuốc chống đông máu. Bác sĩ cho em hỏi bà em khi tiêm vaccine Covid-19 thì có phải ngừng uống thuốc chống đông máu trước và sau khi tiêm không? Bà em được tiêm ở ...
Chào anh,
Trường hợp bà của anh đang uống thuốc chống đông máu vẫn có thể tiêm vaccine phòng Covid-19 được. Nếu bà đang uống thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel hoặc ticagrelor) thì không cần ngưng thuốc; trường hợp đang uống thuốc kháng vitamin K (acenocumarol hoặc warfarin) thì đo INR trước tiêm, nếu INR < 3.0 là tiêm được. Bà cụ có thể tiêm ở phường hoặc bệnh viện. Sau tiêm nên ấn chỗ tiêm 2 phút để tránh chảy máu sau tiêm.
Mẹ em năm nay 62 tuổi, thường xuyên bị tức ngực như bóp nghẹt tim, những lúc bị lên cơn tức ngực nếu không được day tròn quanh tim thì không chịu nổi. Đã đi khám tim mạch ở viện, chụp cắt lớp động mạch vành nhưng bác sĩ không phát hiện bất thường. Tuy nhiên về nhà thỉnh thoảng vẫn bị tức ngực khó ...
Chào chị
Đau ngực là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý thuộc tim mạch và ngoài tim mạch. Các bệnh lý tim mạch thường gây đau ngực như: bệnh mạch vành mạn, nhồi máu cơ tim, bệnh lý van tim, rối loạn nhịp tim... Các bệnh lý không phải tim mạch cũng có thể gây nên triệu chứng đau ngực như: bệnh lý hô hấp mạn tính, cơ - xương - khớp - thần kinh thành ngực, bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản...
Trường hợp của mẹ chị lứa tuổi trung niên, không rõ bác có bệnh lý nguy cơ tim mạch (mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp) hay không, chụp động mạch vành bằng kỹ thuật gì (cắt lớp vi tính đa dãy hay chụp động mạch vành qua da), kết quả bình thường hay có hẹp động mạch vành, có các kết quả thăm dò khác (xét nghiệm máu, điện tâm đồ, siêu âm tim, X-quang ngực, nội soi dạ dày...) không? Mặc dù tính chất đau ngực của mẹ chị rất giống triệu chứng của bệnh lý động mạch vành, tuy nhiên cần đánh giá tổng quan nhiều yếu tố: triệu chứng, yếu tố nguy cơ, các kết quả thăm dò chẩn đoán và loại trừ để khẳng định chắc chắn. Do vậy, chị nên đưa mẹ đi khám chuyên khoa Tim mạch để bác sĩ khám và bổ sung các thăm dò cần thiết, từ đó chẩn đoán và điều trị bệnh cho mẹ chị sớm ổn định nhất.
Em có một vết lõm sâu bẩm sinh ở lồng ngực, 2 bên xương lồng ngực không cân đối, phần bên trái nhô lên trong khi phía bên phải xẹp xuống. Thể trạng của em cũng không tốt lắm, hiện tại em chỉ nặng 47 kg và không thể hoạt động nặng. Em có dấu hiệu của nhịp tim nhanh, thở ngắn ngay cả khi ...
Chào bạn,
Lõm ngực là một dị tật bẩm sinh, có thể đơn thuần hoặc kết hợp với dị tật bẩm sinh của tim nên bạn cần tới bệnh viện khám chuyên khoa lồng ngực để được đánh giá đầy đủ, từ đó bác sĩ có thể tư vấn chi tiết hơn cho bạn. Nếu có kèm bệnh tim bẩm sinh thì tùy theo tình trạng các dị tật mà có hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp chỉ bị lõm ngực, có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt thanh nâng chỗ lõm lên. Vậy bạn nên sắp sếp thời gian đến khám chuyên khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực để chúng tôi có thể trực tiếp thăm khám tìm nguyên nhân và tư vấn cụ thể hướng điều trị cho bạn.
Tôi 50 tuổi, phát hiện bị tăng huyết áp, đã làm một số xét nghiệm thì được chẩn đoán là tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa lipid máu. Các bác sĩ kê đơn và tôi thực hiện dùng thuốc, thay đổi chế độ sinh hoạt và đo kiểm soát huyết áp hàng ngày rất nghiêm túc. Nay chỉ số huyết áp luôn ...
Bác sĩ khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Chào bác,
Với thông tin bác gửi trong câu hỏi, có thể thấy việc điều trị huyết áp của bác rất hiệu quả, đạt được mục tiêu điều trị, bác nên tiếp tục duy trì việc điều trị bệnh lý huyết áp đều đặn. Các thuốc điều trị bệnh lý tim mạch và rối loạn lipid hiện tại không có thuốc nào ghi nhận có tác dụng phụ gây rối loạn giấc ngủ, do vậy bác có thể yên tâm tiếp tục điều trị bệnh lý hiện tại.
Về vấn đề rối loạn giấc ngủ, một trong những nguyên nhân thường gặp ở nam giới cao tuổi là rối loạn tiểu đêm do phì đại tiền liệt tuyến, vì vậy bác nên đi khám chuyên khoa để được kiểm tra, đánh giá chính xác và có thể can thiệp điều trị nếu cần. Ngoài ra, khi đã dùng các thuốc thảo dược và thực phẩm nhưng không hiệu quả, bác cần khám bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để có thể được tư vấn và điều trị bệnh lý rối loạn giấc ngủ tốt nhất, giúp đảm bảo sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như đạt hiệu quả trong việc điều trị các bệnh lý đang có.
Cần làm gì khi bị mỡ máu cao? Cần hạn chế thức ăn nào để hạ chỉ số mỡ máu? Mỡ máu cao có liên quan đến bệnh tim không? Em cảm ơn bác sĩ.
Chào em,
Em bị mỡ máu cao thì trước tiên nên thực hiện chế độ ăn kiêng (như giảm chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh, nội tạng, chất bột đường...), thực hiện lối sống lành mạnh (giảm bia rượu, tập thể dục hàng ngày, giảm cân nặng...). Mỡ máu cao sẽ liên quan tới các bệnh lý về tim mạch như xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, bệnh thiếu máu cơ tim... Vì vậy, em nên tới bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám và tư vấn chi tiết nhé. Chúc em luôn mạnh khỏe!
Ba em năm nay 55 tuổi, huyết áp cao 169 nhưng không có chịu chứng mệt mỏi hay khó thở. Bác sĩ cho em hỏi là nên dùng thuốc gì cho ba hạ huyết áp? Em cần đưa ba đến bệnh viện khám không? Em xin cảm ơn bác sĩ!
Chào em,
Ba em năm nay 55 tuổi, nếu kết quả đo huyết áp 169mmHg là chuẩn (đo sau khi ngồi nghỉ 15-20 phút, đo ở tư thế ngồi, đo 2 lần cách nhau 2-3 phút và lấy chỉ số trung bình) thì tức là ba em được chẩn đoán tăng huyết áp độ II, cần được điều trị. Mặc dù ba em không có triệu chứng mệt mỏi hay khó thở, nhưng không có nghĩa là các biến chứng do tăng huyết áp như xơ vữa mạch máu, suy thận tiến triển, suy tim tiến triển... không diễn ra.
Việc điều trị tăng huyết áp không chỉ đơn thuần làm giảm con số huyết áp mà còn để bảo vệ cơ quan đích như: não, tim, thận, mắt... Vì vậy, ba em cần được dùng thuốc hạ huyết áp. Tuy nhiên, lựa chọn loại huyết áp nào, thì cần được bác sĩ thăm khám cụ thể: như nhịp tim của ba em có nhanh không, ba em đã bị suy thận chưa, ba em có các yếu tố nguy cơ như béo phì/thừa cân, rối loạn lipid máu, đái tháo đường... kèm theo hay không?
Bên cạnh dùng thuốc, ba em cũng nên điều chỉnh thêm chế độ ăn và sinh hoạt. Nếu chế độ sinh hoạt chưa thật sự khoa học thì cần điều chỉnh, ví dụ như ăn nhạt, giảm muối, hạn chế đồ chiên xào, mỡ bão hòa (mỡ-nội tạng động vật), ăn nhiều rau xanh, củ quả giàu omega, cá, dầu oliu, hạn chế bia, rượu, bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên giảm cân nếu thừa cân. Mặc dù trong mùa dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp nhưng Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã có đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn phòng chống dịch, nên em đừng quá lo lắng, hãy đưa ba em đi khám, đừng làm chậm trễ việc chẩn đoán và điều trị bệnh của ba em.
Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn