Ngày 12/2, ThS.BS.CKI Nguyễn Xuân Trường, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhi bị gãy kín hai xương cẳng tay phải (gãy xương nhưng không có vết thương hở hoặc không chảy máu biểu hiện ngoài da), đau nhiều hơn khi cử động.
Bệnh nhi được mổ khẩn để giảm đau. Bác sĩ Trường chỉ định phương pháp phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng vì ít xâm lấn, hiệu quả cao, phù hợp với bệnh nhi nhỏ tuổi.
![Bác sĩ Trường (phải) phẫu thuật kết hợp xương cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/thumbnail-VNE-Ke-t-ho-p-xu-o-n-7303-5000-1739346087.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vY3PKuA5y4vbmbw6bmCWsg)
Bác sĩ Trường (phải) phẫu thuật kết hợp xương cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ mở một đường nhỏ khoảng 1 cm ở khuỷu tay và cổ tay bệnh nhân để nắn chỉnh xương gãy về đúng vị trí. Sau đó, luồn hai đinh dài dọc theo chiều dài cẳng tay bệnh nhi vào lòng tủy xương, cố định lại cẳng tay.
Các bác sĩ sử dụng hệ thống chụp X-quang liên tục trong lúc mổ C-Arm để quan sát rõ tình trạng bên trong ổ gãy, không phải rạch da bóc tách gân cơ, bộc lộ mạch máu thần kinh. Tất cả thao tác được thực hiện thông qua các lỗ nhỏ trên da mà không cần mổ rộng ổ gãy, nhờ đó giảm tối đa tổn thương đến các mô lành khác, sau mổ xương được điều chỉnh tốt.
Chỉ sau một tuần, các can xương (xương mềm mới tạo thành xung quanh chỗ gãy xương đang lành) đã mọc ra, bệnh nhi có thể sớm tập phục hồi chức năng và trở lại sinh hoạt bình thường. Kết hợp xương và nắn chỉnh qua da còn giúp giảm đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng và thời gian nằm viện.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được nẹp bột trong một tuần để giảm đau và bất động, cố định vùng xương bị gãy, sau đó chuyển sang nẹp vải. Bệnh nhi có thể khôi phục sinh hoạt gần như bình thường, không còn đau, không giới hạn vận động sau ba tuần. Đinh nội tủy sẽ được loại bỏ sau khoảng một năm.
![Phim chụp X-quang tình trạng cẳng tay phải của bệnh nhi trước (trái) và sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/be3tuoi-1739345962-1159-1739346087.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YO39pDNJwEqnEQajHPOmrA)
Phim chụp X-quang tình trạng cẳng tay phải của bệnh nhi trước (trái) và sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Trường cho biết đa số các trường hợp gãy xương ở trẻ em đều được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật kết hợp xương dưới màn hình tăng sáng, với sự hỗ trợ của hệ thống C-Arm. Bệnh nhi phục hồi nhanh hơn, không bị giới hạn vận động, vẫn có thể hoạt động mạnh, chơi thể thao...
Trẻ em dễ gặp chấn thương do té ngã, trong đó có gãy xương. Phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu bất thường, cảnh báo gãy xương để kịp thời đưa trẻ đi khám như trẻ đau dữ dội, nhất là ở một vị trí cụ thể, đau tăng lên khi cử động; vùng bị tổn thương bầm tím; các bộ phận chân, tay của trẻ bị bẻ cong bất thường hoặc lệch khỏi vị trí ban đầu...
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |