Ông Toàn bị đau khớp vai nhiều năm, nhất là khi nâng tay lên cao, nằm nghiêng đè vào vùng vai, khi vận động thi thoảng có tiếng lạo xạo ở vai. Ông từng được bác sĩ chẩn đoán thoái hóa khớp, điều trị bằng các bài thuốc dân gian không hiệu quả nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám.
Ngày 16/8, ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ông Toàn bị rách hoàn toàn gân chóp xoay vai.
Nhóm cơ chóp xoay vai gồm 4 cơ chính gồm cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ tròn bé và cơ dưới vai, là các gân cơ có nhiệm vụ ổn định, kiểm soát các chuyển động của khớp vai. Ông Toàn bị rách đồng thời gân cơ trên gai và dưới gai, hai gân chóp xoay dễ bị tổn thương nhất, theo bác sĩ Quyền. Đường kính rách lớn và tình trạng co rút thoái hóa gân nghiêm trọng, bác sĩ chỉ định phẫu thuật khâu phục hồi cho người bệnh.
Bác sĩ chuyển gân nhị đầu (một gân nhỏ phía trước khớp vai) để che phủ một phần chỏm xương cánh tay, sau đó khâu phủ gân chóp xoay lên trên. Về mặt cơ học, gân nhị đầu giúp giữ chỏm xương cánh tay không bị trượt lên trên, giảm đau vai. Về mặt sinh học, gân này hoạt động như một mảnh ghép tự thân, giúp gân chóp xoay dễ dàng liền lại, hạn chế nguy cơ tái rách và rút ngắn thời gian phục hồi cho người bệnh.
![Bác sĩ Quyền và ekip phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/08/16/phau-thuat-phuc-hoi-rach-co-ch-6272-7977-1723773412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fIfVtzsCgfqZcMuiNot8YQ)
Bác sĩ Quyền và ekip phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hậu phẫu, ông Toàn phục hồi tốt, xuất viện sau 5 ngày, sinh hoạt bình thường. Ông tiếp tục thực hiện bài tập tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm giảm đau, cải thiện sức cơ và sự linh hoạt của khớp, đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
Theo bác sĩ Quyền, rách gân chóp xoay thường gặp ở bệnh nhân trung niên và lớn tuổi. Đây là bệnh lý phức tạp kết hợp chủ yếu giữa quá trình thoái hóa với đặc điểm giải phẫu của người bệnh, tình trạng quá tải kéo dài và đôi khi là chấn thương khớp vai.
Hầu hết trường hợp rách chóp xoay ban đầu chỉ là tổn thương bán phần, tức là chỉ rách một phần nhỏ của gân. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời bằng vật lý trị liệu, có thể kết hợp tiêm nội khớp nếu cần, đa phần người bệnh phục hồi tốt. "Nguy cơ tiến triển thành rách hoàn toàn và cần phẫu thuật là dưới 1%", bác sĩ Quyền nói.
Tuy nhiên, khi không được điều trị sớm, vết rách có thể mở rộng từ rách một gân ban đầu dẫn đến rách hai hoặc ba gân. Rách bán phần có thể tiến triển thành rách hoàn toàn chóp xoay, ảnh hưởng đến hệ thống giữ ổn định khớp vai và gây ra tình trạng bán trật chỏm xương cánh tay, làm tăng tốc quá trình thoái hóa khớp vai. Trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị giả liệt, tức mất khả năng nâng vai quá 90 độ hoặc duy trì vai ở tư thế dạng xoay ngoài. Nếu phẫu thuật sớm trong 8 tuần đầu sau chấn thương, bệnh nhân rách chóp xoay có kết quả phục hồi tốt hơn.
![Bác sĩ Quyền hướng dẫn ông Toàn thực hiện các bài tập sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/08/16/phau-thuat-phuc-hoi-rach-co-ch-2728-6381-1723773412.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QZiplnRpCIUQPPO1rrMbYg)
Bác sĩ Quyền hướng dẫn ông Toàn thực hiện các bài tập sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Trường hợp bị rách hoàn toàn chóp xoay sau chấn thương, yếu đột ngột hoặc nghiêm trọng cánh tay, không cải thiện cử động sau ba tháng vật lý trị liệu hoặc triệu chứng xấu đi trong 6 tuần vật lý trị liệu đầu tiên cần phẫu thuật sớm.
Người bệnh rách một phần gân chóp xoay có nhu cầu lao động nặng, công việc hàng ngày cần sử dụng khớp vai thường xuyên, vận động viên chơi thể thao đòi hỏi động tác đưa tay qua đầu... nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để được tư vấn điều trị.
Mỹ Linh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |