TS.BS Chế Đình Nghĩa, Phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bé Doanh có ổ nhiễm trùng vết mổ, viêm xương, chân phải sưng tấy, có mủ. Kết quả chụp X-quang cho thấy cẳng chân bên phải của bé bị biến dạng 1/3, có khớp giả đầu dưới xương chày và xương mác.
"Nếu không điều trị sớm, bé có nguy cơ phải cắt chi do tình trạng nhiễm trùng gây viêm xương, phá hủy hoặc tiêu xương, xơ hóa các tổ chức phần mềm xung quanh nặng, biến dạng trục chi", bác sĩ Nghĩa đánh giá.
Theo bác sĩ Nghĩa, khớp giả bẩm sinh (CPT) là dị tật có thể xảy ra ở trẻ với tỷ lệ khoảng 1/250.000 trường hợp, thường ở xương chày (xương ống chân), khiến trẻ bị bất thường cấu trúc xương, xương yếu, dễ gãy và không liền lại bình thường. Tình trạng này tạo ra một "khớp giả" - nơi hai đầu xương không kết nối chắc chắn như khớp thật. "Nếu không điều trị sớm, bệnh nhi có nguy cơ phải cắt chi do nhiễm trùng gây viêm xương, phá hủy hoặc tiêu xương, xơ hóa các tổ chức phần mềm xung quanh nặng, biến dạng trục chi", bác sĩ Nghĩa nói.
Các bác sĩ đa chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình, nhi khoa, Gây mê hồi sức, Dinh dưỡng, Phục hồi chức năng hội chẩn để xây dựng phác đồ điều trị toàn diện cho bé Doanh, chia thành hai giai đoạn với hai cuộc mổ.
Giai đoạn một, ThS.BS Nguyễn Trọng Quỳnh, khoa Chấn thương Chỉnh hình, cùng êkíp phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn đoạn xương bị viêm, nạo sạch mô hoại tử, mủ và các mô xơ bị tổn thương. Để kiểm soát nhiễm trùng triệt để, các bác sĩ đặt xi măng kháng sinh vào vị trí khuyết xương. Xi măng đóng vai trò như "hàng rào bảo vệ tại chỗ", giải phóng kháng sinh với nồng độ cao, liên tục trong nhiều ngày, giúp tiêu diệt vi khuẩn tại ổ nhiễm, giảm nguy cơ tái nhiễm. Phương pháp này cũng hạn chế đáng kể tác dụng phụ so với sử dụng kháng sinh toàn thân liều cao kéo dài. Sau mổ, bệnh nhi được chăm sóc dinh dưỡng tích cực để nâng cao thể trạng, kết hợp theo dõi nhiễm trùng qua xét nghiệm và hình ảnh học.

Bác sĩ Nghĩa (ngoài cùng bên phải) cùng êkíp vi phẫu ghép xương cho bé Doanh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
4 tháng sau, khi tình trạng nhiễm trùng đã kiểm soát hoàn toàn, thể trạng ổn định, bé Doanh bước vào giai đoạn điều trị tiếp theo. Bác sĩ Nghĩa cùng êkíp thực hiện vi phẫu ghép xương mác có mạch nuôi từ chân lành sang chân bị tổn thương nhằm tái tạo đoạn xương đã bị cắt bỏ. So với phương pháp truyền thống lấy một đoạn xương ghép "chết" từ cơ thể, kỹ thuật này sử dụng đoạn xương còn nguyên hệ thống mạch máu nuôi, sau đó nối chính xác từng mạch máu nhỏ dưới kính hiển vi để đảm bảo đoạn xương ghép được cấp máu liên tục. Nhờ đó, đoạn xương ghép sống, có khả năng phát triển và liền tốt hơn, đặc biệt phù hợp với trẻ em, độ tuổi đang phát triển mạnh về xương. Theo bác sĩ Nghĩa, đây là kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác và tinh vi, cần đủ trang thiết bị và bác sĩ chuyên sâu về vi phẫu.
Trước mổ, bác sĩ đo đạc, định vị và lên kế hoạch chi tiết. Một trong những yếu tố quyết định thành công của ca ghép xương là việc ứng dụng công nghệ chụp mạch máu bằng máy CT Force VB30 đa lát cắt hiện đại, liều tia siêu thấp, an toàn đối với trẻ nhỏ. Thiết bị cho phép dựng hình mạch máu 3D độ phân giải cao, giúp bác sĩ xác định rõ vị trí, hướng đi của mạch máu, tránh các vùng bị tắc, từ đó đưa ra chiến lược nối mạch tối ưu, giảm nguy cơ tắc mạch sau mổ. Bác sĩ Nghĩa cho hay thách thức lớn nhất là thể trạng của bé Doanh rất gầy yếu, từng phẫu thuật thất bại trước đó và có nền mô sẹo, nhiễm trùng, tắc mạch nên cần đảm bảo dòng máu nuôi sống đoạn xương ghép.
Ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng thành công. Sau mổ, vết mổ khô, sạch, không có dấu hiệu nhiễm trùng. Bé ăn uống tốt, tinh thần ổn định. Đoạn xương mác ghép có mạch máu nuôi sẽ phát triển dần, từng bước thay thế phần xương chày bị mất.

Bác sĩ Nghĩa khám cho bé Doanh sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hiện bé Doanh được tập phục hồi chức năng theo chương trình cá nhân hóa, tăng dần khả năng chịu lực cho chân. Bé được theo dõi định kỳ lâu dài để đánh giá mức độ liền xương, sự phát triển của đoạn xương ghép, đảm bảo hai chân phát triển cân đối theo thời gian. Dự kiến khoảng 6-9 tháng tới, bé Doanh có thể đi lại và vận động gần như bình thường.
Theo bác sĩ khớp giả bẩm sinh thường được phát hiện trong 6 tháng đầu đời hoặc khi trẻ bắt đầu biết đi. Một số dấu hiệu sớm gồm chân cong hoặc lệch trục bất thường, một chân ngắn hơn chân còn lại, trẻ đi khập khiễng, dễ vấp ngã. Vùng cẳng chân yếu, đôi khi sưng nhẹ, có thể nhìn thấy biến dạng. Một số trường hợp, trẻ bị gãy xương tự nhiên hoặc sau va chạm nhẹ nhưng sau đó xương không liền, gây nghi ngờ tình trạng khớp giả.
Khi trẻ có những biểu hiện trên, phụ huynh nên đưa con đi khám chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình càng sớm càng tốt, đặc biệt là những cơ sở y tế có sự phối hợp đa chuyên khoa. Phát hiện sớm giúp kiểm soát tổn thương, điều trị phù hợp, hạn chế biến chứng, tránh nguy cơ mất chi.
Linh Đặng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |