Anh Hoàn hóa xạ trị ung thư máu năm 16 tuổi, từng đột quỵ hai năm trước do tắc động mạch cảnh bên phải. Sau khi xử lý cấp cứu tái thông và đặt stent động mạch cảnh trong bên phải, anh vẫn bị di chứng yếu nửa người trái.
Khi đi khám ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vào cuối năm ngoái, bác sĩ phát hiện động mạch cảnh trái của anh hẹp 50%, chỉ định uống thuốc và theo dõi, chưa cần can thiệp. Đến lần anh tái khám đầu tháng 11, động mạch cảnh trái đã hẹp 95%.
Ngày 6/11, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết xạ trị cần thiết để cứu sống người bệnh. Dù hẹp động mạch cảnh nặng nhưng bệnh nhân may mắn chưa có triệu chứng của cơn thiếu máu não hay biến chứng đột quỵ. Tuy nhiên, với mức độ hẹp nặng, nguy cơ đột quỵ rất cao.
Bác sĩ Dũng giải thích mô vùng cổ xung quanh động mạch cảnh xơ hóa nhiều năm do xạ trị là yếu tố đẩy nhanh tiến trình xơ vữa gây hẹp động mạch, khiến khó chọn kỹ thuật phẫu thuật hay can thiệp đặt stent động mạch cảnh. Cân nhắc các rủi ro có thể xảy ra, ê kíp quyết định phẫu thuật.
Bác sĩ dùng kỹ thuật bóc lớp nội mạc động mạch cảnh (Carotid Endarterectomy CEA) với gây mê toàn thân. Sau khi lấy bỏ tổn thương xơ vữa gây hẹp động mạch, thành mạch máu được tạo hình mở rộng với miếng vá sinh học làm từ màng ngoài tim bò. Phẫu thuật thuận lợi, không gặp khó khăn và không có biến chứng trong và sau mổ. Người bệnh phục hồi sau mổ giống những trường hợp mổ động mạch cảnh khác.
![Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân vào ngày thứ hai sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/11/06/image001-3777-1699257358.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Qjw-bKpc6pNYPkCDAsDRCg)
Bác sĩ hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân vào ngày thứ hai sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Anh Hoàn tỉnh táo sau một ngày mổ. Bác sĩ đánh giá dòng máu lên não lưu thông tốt, nguy cơ tái đột quỵ đã được loại bỏ. Anh xuất viện ba ngày sau đó.
Bác sĩ Dũng cho biết hẹp động mạch cảnh là bệnh phổ biến với tỷ lệ mắc 3% ở dân số độ tuổi 25-84 tuổi. Đây là tình trạng mảng xơ vữa tích tụ trong lòng hai động mạch cảnh chạy dọc hai bên cổ, làm thu hẹp lòng mạch, cản trở dòng máu tưới não. Nếu không phát hiện sớm và phẫu thuật loại bỏ mảng xơ vữa, động mạch cảnh bị tắc hoàn toàn gây đột quỵ.
Đa số trường hợp đột quỵ do tắc hẹp động mạch cảnh xảy ra ở người trên 65 tuổi. Tuy nhiên hiện nay, bệnh này ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh nguyên nhân do di chứng xạ trị ung thư như bệnh nhân Hoàn, phần lớn do thói quen hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, ít vận động, thừa cân béo phì, stress, đái tháo đường... Bác sĩ Dũng cho biết đây là tác nhân âm thầm tấn công, hình thành mảng xơ vữa gây tắc, hẹp động mạch cảnh, làm giảm hoặc chặn dòng máu lên não, dẫn tới nhiều trường hợp đột quỵ ở người trẻ (10% các ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 50 tuổi).
Tuân thủ chế độ ăn uống và lối sinh hoạt khoa học giúp ngăn ngừa, làm chậm tiến triển hẹp động mạch cảnh. Những người trẻ có yếu tố nguy cơ cao như từng xạ trị, tiền sử gia đình xơ vữa động mạch hoặc bệnh động mạch vành, bản thân tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc rối loạn mỡ máu... cần khám sức khỏe, siêu âm/chụp CT mạch máu định kỳ để phát hiện sớm bệnh động mạch cảnh, ngăn ngừa đột quỵ.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |