Ths.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, trong nhiều trường hợp, chấn thương đầu gối rất khó nhận biết bởi bề mặt da bên ngoài không hề xuất hiện biến dạng, sưng hay bầm tím. Tuy nhiên, từ bên trong, dây chằng, gân, xương, sụn có thể đã bị ảnh hưởng. Một số tổn thương có thể xảy ra như:
Thoái hóa khớp gối dẫn đến suy giảm hiệu quả giảm sốc của sụn. Điều này gây ra hiện tượng đau nhức, cứng đầu gối, đặc biệt làm giảm khả năng cử động và đôi khi hình thành các gai xương. Đau đầu gối nhưng không sưng có thể là dấu hiệu sớm nhất của bệnh thoái hóa khớp. Cơn đau có xu hướng tăng lên khi duy trì cơ thể trong trạng thái chịu trọng lực và giảm khi nghỉ ngơi. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc không vận động.
Khi thoái hóa khớp tiến triển nặng hơn, khả năng hoạt động của khớp sẽ trở nên hạn chế, thường xuyên xuất hiện cảm giác lạo xạo và đau nhức. Sự tăng sinh của xương, sụn, dây chằng, gân, bao khớp, màng hoạt dịch cùng tình trạng tràn dịch khớp bắt đầu xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau. Vào giai đoạn cuối cùng, cơn đau mới xuất hiện cùng hiện tượng sưng khớp.
![Chấn thương đầu gối rất khó nhận biết từ bên ngoài bề mặt da. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/09/01/Screen-Shot-2022-09-01-at-09-0-7048-3333-1661998020.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UDGvzvQVLWTzquAUyr7h2g)
Chấn thương đầu gối rất khó nhận biết từ bên ngoài bề mặt da. Ảnh: Shutterstock
Bệnh gout giai đoạn đầu cũng khiến người bệnh có cảm giác đau nhức, sờ vào vùng da bên ngoài thấy đỏ và ấm. Cơn đau có thể bùng phát vào ban đêm, đặc biệt nhức dữ dội trong 24 giờ đầu. Thực tế, gout thường liên quan đến ngón chân cái, nếu không được điều trị, bệnh sẽ từ vị trí ban đầu là ngón chân cái lan qua mắt cá chân, đến đầu gối và gây đau. Về lâu dài, gout có thể lan đến cột sống dưới.
Các bệnh tự miễn (lupus, viêm khớp dạng thấp...) cũng có thể gây ra hiện tượng đau đầu gối nhưng không sưng. Trong đó, viêm khớp dạng thấp và lupus là hai yếu tố điển hình nhất. Viêm khớp dạng thấp đau khớp, xơ cứng khớp, nặng nhất vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau khi không cử động trong một thời gian dài. Còn Lupus ban đỏ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau đầu gối, xơ cứng nhưng không sưng tấy.
Các chấn thương ở vùng khớp gối như rách dây chằng chéo trước, rách sụn chêm... thường gặp ở những người vận động mạnh, chơi thể thao... hoặc gãy rạn xương vùng gối. Bác sĩ Đặng Khoa Học cũng bổ sung thêm một số vị trí gân vùng khớp gối dễ bị viêm và gây đau gối như, Viêm gân bánh chè thường xuất hiện phổ biến ở những vận động viên thể thao, thường xuyên phải chạy nhảy (bóng rổ, bóng chuyền...). Tổn thương khiến người bệnh cảm thấy đau nhức đầu gối, mặc dù không sưng. Đối với tình trạng này, cách điều trị phổ biến là áp dụng vật lý trị liệu nhằm để kéo căng và tăng cường hoạt động cho các cơ xung quanh.
Tình trạng viêm gân gối xảy ra do vận động quá sức hoặc chấn thương, dẫn đến hiện tượng đau nhức khi chuyển động đầu gối. Cơn đau thường tự phát, trở nặng hơn lúc ngồi xổm, leo cầu thang... Về lâu dài, nếu không được điều trị, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn thoái hóa. Triệu chứng thường gặp là đau nhói, bỏng rát vùng gối, cứng cơ, khớp và kèm sưng, viêm.
![Chườm nóng, chườm lạnh sẽ giúp làm dịu cơn đau đầu gối. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/09/01/Screen-Shot-2022-09-01-at-09-0-6485-2684-1661998020.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KSDI11y0pGzoi7eyO8Thjg)
Chườm nóng, chườm lạnh sẽ giúp làm dịu cơn đau đầu gối. Ảnh: Shutterstock
Khi người bệnh gặp triệu chứng đau gối có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà. Chườm nóng, chườm lạnh sẽ giúp làm dịu cơn đau tạm thời. Người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi nhưng đừng quên vận động nhẹ nhàng để giúp đẩy nhanh thời gian phục hồi. Ngoài ra người bệnh có thể kết hợp tập vật lý trị liệu, mát xa nhẹ nhàng
Bác sĩ Đặng Khoa Học tư vấn thêm, một số thuốc chống viêm không steroid dạng thoa có thể giảm đau tại chỗ, ít gây ra tác dụng phụ. Người bệnh có thể sử dụng các thuốc chống viêm không steroid dạng viên nén, như Ibuprofen là loại thuốc không cần kê đơn, được sử dụng phổ biến trong điều trị giảm viêm, giảm đau đầu gối. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng NSAID theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên loại này thường đi kèm một số tác dụng phụ tiềm ẩn.
Người bệnh đặc biệt không tự ý tiêm khớp để giảm đau mà không có sự tư vấn và thăm khám của bác sĩ chuyên khoa, do việc sử dụng biện pháp tiêm chỉ đặc biệt dành cho những trường hợp bệnh lý nghiêm trọng, cụ thể.
Bác sĩ Học khuyên mọi người hãy duy trì cân nặng hợp lý để tránh tạo áp lực cho cơ thể, gây ra hiện tượng đau khớp gối khó chịu. Ngoài ra, chú ý mang giày dép phù hợp, vừa vặn với chân để tránh gây áp lực cho khớp gối. Duy trì luyện tập thể dục thể thao, ngay cả khi bị đau khớp gối cũng vẫn nên vận động nhẹ nhàng bởi việc ngưng vận động hoàn toàn chỉ khiến tình trạng nặng thêm. Tuy nhiên, không nên thay đổi cường độ tập luyện thể dục thể thao đột ngột vì rất dễ dẫn đến hiện tượng đau nhức đầu gối, thậm chí chấn thương khớp gối.
Thùy Lê