Khi ông Hồ Thái Sơn ngã, mông trái đập xuống mặt đường, chỉ đau thoáng qua nên không đi khám. Đến khi chân trái không thể cử động, đau dữ dội, ông phải nằm băng ca đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 23/2, ThS.BS.CKI Mai Hoàng Dương, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết ông Sơn bị gãy cổ xương đùi trái, mức độ tổn thương nặng nhất (độ 4). Cổ xương đùi bị gãy và di lệch hoàn toàn làm người bệnh đau rất nhiều ở vùng hông bẹn, không thể nâng chân lên; chân trái ngắn hơn chân phải, bàn chân trái xoay lệch ngoài... Đau kéo dài làm nặng thêm bệnh nền tăng huyết áp và tim mạch của người bệnh.
![Bác sĩ Dương (giữa) trong một ca phẫu thuật thay khớp háng. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/02/24/gcxdv-9928-1708744988.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9PXzamAjikQJ0qmoCwBdog)
Bác sĩ Dương (giữa) trong một ca phẫu thuật thay khớp háng. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Dương, trước đây, người bệnh gãy cổ xương đùi thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bán phần (chỉ thay chỏm xương đùi mà không thay ổ cối). Tuy nhiên, phương pháp này làm tăng nguy cơ trật khớp háng, giảm khả năng vận động sau phẫu thuật do phải cắt nhóm cơ xoay ngoài.
Để giúp người bệnh đi lại tốt hơn, tăng biên độ vận động khớp háng, bảo tồn xương và các cấu trúc giải phẫu, bác sĩ Dương chỉ định thay khớp háng toàn phần bằng đường mổ lối trước. Kỹ thuật này giúp mất máu ít, ít đau, người bệnh có thể không cần dùng thuốc giảm đau sau phẫu thuật, giảm nguy cơ phát sinh biến chứng tim mạch. Đồng thời, chiều dài hai chân được điều chỉnh cân bằng nhau.
Trước khi phẫu thuật, ê kíp sử dụng phần mềm TraumaCad chuyên dụng để chọn kích thước khớp phù hợp với cơ thể người bệnh, tính toán các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Trong quá trình mổ, các thao tác thay khớp, định vị các mốc giải phẫu được thực hiện dưới sự hỗ trợ của màn hình tăng sáng C-Arm, đảm bảo độ chính xác cao.
Ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh có thể tập đứng dậy và đi lại, gần như không còn đau, cảm giác khớp mới rất tự nhiên. Sau ba ngày, người bệnh có thể tự sinh hoạt hầu hết mọi việc.
![Bác sĩ Dương và người bệnh tập đi lại trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/02/24/z5179758642285-201a36be6d1862e-3326-6876-1708746278.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1_jyutgaFIjMjLOkLAOWDA)
Bác sĩ Dương và người bệnh tập đi lại trước khi xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Dương lưu ý người cao tuổi rất dễ gãy xương sau khi bị va chạm hoặc té ngã do tuổi tác tăng cao, chất lượng xương suy giảm. Người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, gãy xương nói chung và gãy cổ xương đùi nói riêng, không chỉ gây đau, làm giảm khả năng vận động mà còn có thể dẫn đến tử vong do những biến chứng khi phải nằm bất động trong thời gian dài.
Phi Hồng