Gần đây có khá nhiều tranh luận xung quanh kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Một số ý kiến ủng hộ cách ra đề năm nay giúp phân hóa học sinh tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra không hài lòng khi con em họ không đạt được kết quả như ý.
Con tôi cũng là một học sinh ngoan, chăm chỉ, và 12 năm liền luôn nằm trong top đầu của lớp. Trong các kỳ thi thử gần nhất trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, điểm số của con luôn khiến gia đình tự hào: 9 Văn, 10 Toán, 10 Tiếng Anh – tổng cộng 29 điểm cho ba môn xét tuyển đại học tổ hợp D01. Cả nhà tôi đã tự tin nghĩ: "Ít nhất con cũng phải trên 27 điểm khi thi thật".
Nhưng kết quả sau kỳ thi chính thức đã khiến chúng tôi bị sốc. Con tôi chỉ được 6,75 điểm Văn, 8 Toán và 9,25 Anh, tổng cộng 24 điểm. Đó là một cú hụt chân không nhỏ của con trước ngưỡng cửa đại học. Tôi không phủ nhận, đã có lúc mình cảm thấy thất vọng, thậm chí muốn đổ lỗi cho đề thi vì gây "quá nhiều bất ngờ cho học sinh". Nhưng sau vài ngày bình tâm lại, tôi nhìn thẳng vào sự thật và thừa nhận điểm số ấy phản ánh đúng năng lực của con – và đề thi năm nay là một bước đi đúng đắn của nền giáo dục.
>> 'IELTS 7.0 nhưng thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT chỉ được 5 điểm'
Tôi từng tự hào về con, không phải vì điểm số, mà vì con có ý thức tự học, luôn cố gắng. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận, suốt nhiều năm qua, con học trong một hệ thống mà học để làm đề thi mẫu, học để đạt điểm cao là mục tiêu chính. Thầy cô ở trường ôn rất sát đề, những bài tập "dễ thi", những cấu trúc "hay ra" được nhấn mạnh lặp đi lặp lại.
Khi thi thử, con làm tốt vì đề thi quen thuộc. Nhưng đề thi tốt nghiệp năm nay lại có những câu hỏi vượt khỏi "vùng an toàn", đòi hỏi học sinh phải thực sự hiểu bản chất, phải tư duy, phải tổng hợp kiến thức – chứ không chỉ là ghi nhớ. Và con tôi đã không làm tốt phần nghị luận xã hội trong bài Văn. Cháu nói với tôi: "Con cứ loay hoay mãi không biết lấy ví dụ nào thực sự sâu sắc".
Tôi không trách con. Tôi trách chính mình vì quá tin vào những điểm 9-10 chỉ vì nghĩ con đã được huấn luyện kỹ càng. Rất nhiều người đang chỉ trích đề thi năm nay "quá khó". Nhưng tôi cho rằng, đề thi không hề đánh đố, mà chỉ thử thách học sinh nhiều hơn mà thôi. Và điều đó rất đáng hoan nghênh. Một kỳ thi quốc gia không thể chỉ để học sinh đạt điểm cao đồng loạt. Nó cần có tính phân hóa – để các em được định hướng đúng năng lực, để xã hội không còn ảo tưởng rằng "ai cũng phải giỏi", "ai cũng nên vào đại học".
Con tôi mấy hôm nay rất buồn vì kết quả không như kỳ vọng. Nhưng sau cú sốc đầu tiên, con cũng dần bình tĩnh lại sau khi được tôi động viên. Tôi ngồi xuống, nói với con: "Con đã làm hết sức, và con biết lý do vì sau mình bị điểm thấp? Đó mới là điều quan trọng nhất".
Là cha mẹ, ai cũng muốn con mình thành công, nhưng thành thật với năng lực bản thân còn quý hơn cả điểm số. Thất vọng vài điểm thi bây giờ không đáng sợ bằng việc để con lớn lên trong ảo tưởng mình giỏi, để rồi vỡ mộng ở chặng đường xa hơn.
Tôi biết còn rất nhiều phụ huynh giống như mình: cảm thấy chới với khi con không đạt như mong đợi. Nhưng xin hãy bình tĩnh. Những gì đang diễn ra là cần thiết. Nếu chúng ta không chấp nhận sự thật về năng lực học sinh, nếu cứ tiếp tục nuôi giấc mộng học bạ đẹp – điểm cao – vào đại học – có việc làm tốt, thì chính chúng ta đang đưa các con vào vòng xoáy mệt mỏi và hoang tưởng.
- Tôi kỳ vọng 8 điểm Văn tốt nghiệp THPT nhưng nhận lại 'cú tát' 6,75
- 'Trời sập' khi tôi biết mình trượt đại học
- Con tôi hứng thú lấy điểm 8 môn Tiếng Anh tốt nghiệp THPT
- 'Kỳ vọng 9,5 điểm Tiếng Anh tốt nghiệp THPT nhưng giờ chỉ mong được 6'
- Con tôi tự tin 9,5 điểm Tiếng Anh tốt nghiệp THPT dù không học thêm ngày nào
- Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 không làm khó được con tôi