Khi tiếng trống hết giờ môn thi cuối cùng vang lên, niềm tin về những con số cao cho tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh từng là điểm tựa vững chắc trong suốt 12 năm học của con trai bạn tôi, bỗng hóa mong manh, cùng tiếng thở dài: "Mẹ ơi, đề Toán năm nay dài và lắt léo lắm, mà Tiếng Anh thì đọc hiểu quá khó, con sợ mình không đủ điểm đỗ vào Học viện Ngoại giao".
Một đứa trẻ từng thức trắng đêm ôn luyện, từng lặng lẽ hy sinh những cuộc chơi, từng miệt mài với ước mơ du học, làm ngoại giao, hôm nay trở về với đôi vai rũ xuống. Cơn mưa chiều muộn hôm ấy như tan theo nỗi buồn của hàng vạn học sinh chọn tổ hợp D01, A01. Nỗi lo ấy không của riêng con bạn tôi. Ngoài kia, hàng trăm, hàng ngàn thí sinh đã chọn tổ hợp có môn Toán và Tiếng Anh cũng đang sống trong chuỗi ngày thấp thỏm, khi phổ điểm dự kiến của hai môn này đang khiến các em "chông chênh giữa thực tại và mơ ước".
Không phải ngẫu nhiên mà tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh (D01) hay Toán - Lý - Tiếng Anh (A01) được lựa chọn nhiều đến thế. Đó là tổ hợp của những giấc mơ bay xa, của khát vọng hội nhập, của sự bền bỉ và hào sảng. Đó là tổ hợp của những ước mơ bay xa về ngành Quan hệ quốc tế, Kinh tế đối ngoại, Luật thương mại quốc tế, Truyền thông quốc tế... Những ngành nghề cần tư duy logic của Toán, khả năng ngôn ngữ của Tiếng Anh, sự phân tích và cảm xúc từ Văn học.
Nhưng kỳ thi năm nay, đề Toán được đánh giá là khó hơn nhiều năm trước, với sự xuất hiện dày đặc của bài toán thực tiễn, xác suất, tổ hợp khiến nhiều học sinh giỏi cũng phải khoanh bừa 5-6 câu cuối. Đề Tiếng Anh lại dài, rối rắm, nhiều từ lạ, phần đọc hiểu thách thức cả những bạn học chuyên Ngoại ngữ. Có em bật khóc trong phòng thi vì từng tự tin sẽ đạt 9,5 điểm môn Tiếng Anh, nhưng giờ chỉ mong đạt điểm 6-7.
>> Con tôi tự tin 9,5 điểm Tiếng Anh tốt nghiệp THPT dù không học thêm ngày nào
Một số chuyên gia Giáo dục cho rằng, với thực tế về đề thi và tình hình làm bài của thí sinh năm nay, có thể dự đoán được điểm chuẩn của phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT nhìn chung sẽ giảm so với năm trước. Các tổ hợp xét tuyển có các môn Văn, Toán, Tiếng Anh sẽ giảm nhiều hơn so với các tổ hợp khác. Đặc biệt là tổ hợp D01 (Toán - Văn - Tiếng Anh) sẽ có điểm chuẩn giảm mạnh so với năm 2024.
Điều này cũng sẽ dẫn đến bất lợi cho các thí sinh nếu như các trường xét tuyển vào một ngành bằng nhiều tổ hợp nhưng không có cơ chế điều chỉnh điểm giữa các tổ hợp. Nhiều em giỏi Tiếng Anh, mạnh về tư duy logic nay lại thấy chính mình bị "bỏ lại" trên đường đua vào đại học.
Sự thật là, với phổ điểm dự kiến của Toán quanh mốc 5,5 - 6,5 và Tiếng Anh dưới 6, các tổ hợp có hai môn này đang khiến hàng loạt sĩ tử hoang mang. Con trai bạn tôi đã đăng ký nguyện vọng 1 vào Học viện Ngoại giao. Nhưng sau kỳ thi, thằng bé ngồi lặng bên máy tính, đôi tay run run: "Mẹ ơi, con có nên đẩy Học viện xuống nguyện vọng 3 không? Con sợ trượt rồi không còn cơ hội vào trường nào nữa".
Theo dõi trên các hội nhóm, tôi cũng thấy nhiều trường hợp tương tự: "Em chọn tổ hợp D01, giờ lo quá, có nên đổi không?", "Mọi người nghĩ điểm chuẩn Học viện Ngoại giao sẽ giảm bao nhiêu?", "Nếu tiếng Anh em được 7, Toán 7, Văn 8 thì có nên giữ nguyện vọng 1 không?"... Đề thi năm nay thực sự là một cú sốc với các em.
Chỉ còn ít ngày nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Đêm nào, điện thoại của tôi cũng sáng rực vì các nhóm phụ huynh, học sinh nhắn tin hỏi nhau: "Đề năm nay thế thì con mình được mấy điểm?", "Có nên đổi nguyện vọng không?", "Nếu Toán 6, Anh 6, Văn 8 thì có đỗ nổi không?"...
Nhiều phụ huynh, kể cả những người từng vững vàng, nay cũng trở nên mông lung. Họ là giáo viên, là giảng viên, là người từng đi qua biết bao mùa thi, nhưng vẫn thấp thỏm như ai: "Biết con học chuyên, học lực tốt, mà vẫn lo đêm lo ngày, bởi đề khó bất ngờ, bởi chênh lệch giữa nỗ lực và thực tế luôn là điều nhức nhối".
Là một người mẹ của hai cô con gái đang ở độ tuổi đi học, đồng thời là một người công tác ở trường đại học, tôi thấy thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã không còn giữ đúng vai trò "tốt nghiệp" nữa. Việc trở thành công cụ xét tuyển đại học chủ yếu khiến cho bản chất hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau lại bị gộp làm một. Điều đó không chỉ gây quá tải cho học sinh, mà còn làm lệch đi mục tiêu ban đầu: đánh giá năng lực tối thiểu để hoàn thành phổ thông. Trong khi đó, các trường đại học lại phải căn cứ vào một kết quả thi "hai trong một", thiếu sự chuyên biệt và phân hóa sâu.
Thêm vào đó, việc các trường tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (như ĐHQG Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội, ĐHQG TP.HCM, Bách khoa Hà Nội...) cũng đang khiến học sinh vốn đã căng thẳng lại càng rối loạn. Lịch thi trùng nhau, cấu trúc đề khác nhau, lệ phí tốn kém, tài liệu ôn tập thiếu chuẩn hóa, tất cả đang làm cho học sinh mệt mỏi gấp bội.
Con gái nhỏ của tôi năm nay mới học lớp 5. Còn bảy năm nữa, con sẽ bước vào kỳ thi quyết định cuộc đời. Tôi khẩn thiết mong rằng đến năm ấy, con sẽ không phải thi tốt nghiệp, mà chỉ xét đủ điều kiện hoàn thành chương trình THPT. Rồi sau đó, con sẽ tham gia một kỳ thi đại học quốc gia nghiêm túc, minh bạch, công bằng - nơi mỗi điểm số đều đáng tin, nơi tấm bằng đại học thực sự có giá trị, chứ không chỉ là một danh hiệu hình thức.
Trong một giai đoạn nhiều chuyển động, học sinh - những mầm non yếu ớt đang gánh vác kỳ vọng, áp lực, cả giấc mơ của cha mẹ. Và chúng ta - những người lớn, những nhà giáo, những phụ huynh, những nhà quản lý xin hãy nhẹ tay với giấc mơ của các em. Đừng đặt thêm gánh nặng. Hãy lắng nghe các em, đồng hành cùng các em, để các em được mơ, được chọn, được học hành bằng tình yêu thương và sự thấu cảm. Để những giấc mơ không phải chông chênh vì đề khó, phổ điểm, hay cơ chế xét tuyển mà được nâng niu bởi niềm tin và hy vọng.
- Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 quá sức với học sinh của tôi
- Chưa tốt nghiệp cấp ba đã đỗ đại học nhờ 'học bạ đẹp'
- Tôi bình thản đón nhận điểm thi tốt nghiệp THPT của con
- 'Không cần bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh'
- 'Không thể loại Tiếng Anh khỏi môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT'
- Học sinh tốt nghiệp phổ thông chưa giao tiếp tốt tiếng Anh