Trong rất nhiều bình luận sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhất là về môn Tiếng Anh, tôi thấy xuất hiện không ít các ý kiến như: "Đề quá khó", "không đi học thêm thì không làm được"... Những nhận xét đó khiến tôi có suy nghĩ, trăn trở. Khác với những bình luận trên, tôi tin rằng, không đi học thêm không đồng nghĩa với việc không học và không làm được bài.
Trước tiên, chúng ta hãy nhìn lại lý do của chủ trương hạn chế dạy thêm, học thêm, đó là để tránh tình trạng học sinh đến lớp phụ đạo không phải vì kiến thức, mà vì áp lực, lo sợ bị thầy cô đánh giá, trù dập. Khi không còn học thêm, các em còn có thêm thời gian ở nhà để tự học, ôn tập lại bài giảng, tìm tòi các kiến thức mở rộng, rèn các kỹ năng...
Điều đó không có nghĩa là các em chỉ học trong lớp rồi về làm bài tập qua loa là đủ. Học thêm ở trung tâm là một lựa chọn, nhưng tự học có định hướng cũng là một con đường hiệu quả và đầy giá trị, nếu các em (hoặc phụ huynh) biết cách đồng hành.
Tôi muốn lấy việc học Tiếng Anh làm ví dụ. Sau giờ học chính khóa, các bạn học sinh về nhà hoàn toàn có thể: học lại từ vựng, cấu trúc đã học trên lớp; tìm bài tập tương tự trên mạng để luyện thêm; thực hành kỹ năng nói và viết qua ứng dụng AI; đọc tin tức hoặc sách bằng tiếng Anh; luyện nghe qua phim, podcast hoặc video ngắn.... Và các em có thời gian làm được tất cả những điều đó là vì không phải chạy theo lịch học thêm dày đặc.
>> Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 quá sức với học sinh của tôi
Từ nhỏ, con tôi không đi học thêm môn nào cả. Tôi hướng dẫn con cách học qua sách Tiếng Anh, qua AI, và theo dõi sự tiến bộ đều đặn của con. Với phụ huynh khác, nếu không thể hỗ trợ trực tiếp thì có thể tìm hiểu thêm thông tin trên Internet, hỏi các phụ huynh khác, hoặc cùng con thiết kế kế hoạch tự học rõ ràng, hoặc lý tưởng hơn là các em cấp ba có thể chủ động vạch ra kế hoạch học tập cho riêng mình. Lượng tài nguyên miễn phí hiện nay rất dồi dào: từ sách nước ngoài, video bài giảng, cho đến công cụ hỗ trợ học tập thông minh.
Khi đọc các đoạn văn trong đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT vừa rồi, cả hai con tôi (học tiểu học và THCS) đều không ngạc nhiên hay hoảng hốt, bởi các dạng bài và chủ đề như thế con đã gặp rất nhiều, không phải ở trên lớp, mà là trong quá trình con tự học và tiếp xúc đa dạng ngôn ngữ ngoài giờ học chính khóa.
Không đi học thêm, con tôi có thời gian chơi thể thao mỗi chiều, ăn tối cùng gia đình, xem bản tin thời sự trong nước và thế giới, làm bài tập, và đọc sách Tiếng Anh. Cuối tuần, con dành một buổi để luyện nói và viết cùng AI. Đó là thời khóa biểu học mà không áp lực, nhưng hiệu quả và thực tế.
Thế nên, vấn đề không nằm ở việc con bạn học thêm hay không, mà là cách lựa chọn tự học như thế nào? Trong một thời đại mà thông tin sẵn có hơn bao giờ hết, điều quan trọng không nằm ở chỗ "có đi học thêm hay không?", mà là việc mỗi học sinh (và người đồng hành cùng các em) có thể chủ động tạo ra một hành trình học tập thực chất, phù hợp và bền vững.
Việc học không chỉ gói gọn trên lớp, trong trung tâm hay trong cuốn sách giáo khoa, mà đang mở rộng ra từng góc nhỏ của đời sống hàng ngày, với thời gian, sự kiên trì và những phương pháp linh hoạt. Chỉ cần còn sự tò mò, còn khao khát hiểu biết, thì tôi tin không cần học thêm các con cũng có thể làm tốt bài thi.
- 'Ngoại ngữ thành môn thi THPT tự chọn là tất yếu'
- 'Hai tiêu chí để Tiếng Anh là môn thi THPT bắt buộc'
- 'Không cần bắt buộc thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh'
- Nỗi lo thụt lùi nếu loại Tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc
- 'Không thể loại Tiếng Anh khỏi môn bắt buộc thi tốt nghiệp THPT'
- Đạt 7.0 IELTS nhưng sợ thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT