Theo ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư - Bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, rối loạn mỡ máu (hay còn gọi là rối loạn lipid máu, mỡ máu cao) là tình trạng thay đổi bất thường như tăng hay giảm các nồng độ chất béo (lipid) trong máu, xảy ra khi: Tăng cholesterol máu toàn phần, khi chỉ số này trên 5.2 mmol/L là bắt đầu cao. Tăng cholesterol máu xấu (LDL - Cholesterol), khi chỉ số này trên 3.4 mmol/L. Giảm cholesterol máu tốt (HDL - Cholesterol), người bình thường chỉ số này từ 1 mmol/L trở lên. Tăng triglycerides máu, khi chỉ số này trên 2.3 mmol/L. Dạng hỗn hợp khi tăng LDL-C và triglycerides máu.
Trong đó, LDL-C được coi là "cholesterol xấu" vì khi dư thừa, chúng làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Còn HDL-C được mệnh danh là "cholesterol tốt" vì chúng dọn dẹp cholesterol dư thừa và mang nó trở lại gan. Sau đó, gan sẽ thải cholesterol ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy tăng cholesterol tốt (HDL-C) không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa.
Để biết chính xác liệu bản thân có bị rối loạn mỡ máu hay không, bạn cần được xét nghiệm 4 chỉ số mỡ máu: Cholesterol toàn phần, LDL-C, HDL-C và Triglyceride. Chỉ cần có 1 trong 4 chỉ số vượt giới hạn bình thường là bạn đã bị rối loạn mỡ máu.
Bác sĩ lưu ý người bệnh mên làm xét nghiệm khi đói, cách bữa ăn và đồ uống có năng lượng trước ít nhất 12 giờ. Tần suất xét nghiệm tốt nhất là 6 tháng/lần cho các đối tượng có nguy cơ cao và 1 năm/lần với người bình thường.
![[LDL-c và HDL-c là 2 loại cholesterol chính trong cơ thể. Ảnh: Shutterstock](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/20/non5-1834-1646727377-6388-1647775187.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=haSSygjhYhnuNJfBwjBRmA)
[LDL-c và HDL-c là 2 loại cholesterol chính trong cơ thể. Ảnh: Shutterstock
Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có tới hơn ¼ dân số trưởng thành của nước ta bị rối loạn mỡ máu, trong đó tỷ lệ này ở dân thành thị lên đến 44.3%. Đáng lo ngại hơn, 71% người bệnh không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám tổng quát, và hầu hết không biết rõ những biến chứng khôn lường của rối loạn mỡ máu.
Triệu chứng
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư nhấn mạnh, rối loạn mỡ máu nguy hiểm ở chỗ chúng không có triệu chứng điển hình mà lại diễn tiến âm thầm. Chính vì thế, chúng ta thường ít đề phòng và đợi đến khi xuất hiện biến chứng thì bệnh đã trở nặng. Nếu phát hiện cơ thể có một trong các dấu hiệu sau, có thể bạn đã mắc bệnh tim mạch do xơ vữa mà nguyên nhân chính là do mỡ máu cao.
Đau thắt ngực hoặc khó chịu ở vùng ngực. Cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ, thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi.
Cảm giác đau tức, khó chịu ở những vị trí khác như 2 bên cánh tay, lưng, cổ, hàm, thậm chí ở vùng thượng vị.
Khó thở hoặc có thể đi kèm với tức ngực.
Một số triệu chứng khác là vã mồ hôi, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, tê bì chân tay...
Tê hoặc yếu nửa người hoặc những vị trí khác trên cơ thể, hoặc thay đổi giọng nói thoáng qua hoặc kéo dài.
Một số trường hợp đau không điển hình hoặc không đau có triệu chứng mệt lả, khó thở, buồn nôn, đau lan ra sau lưng hoặc nguyên hàm.
Nguyên nhân
Rối loạn mỡ máu được bắt nguồn từ 2 nhóm nguyên nhân chính: Nội sinh và ngoại sinh.
Đường nội sinh (nguyên phát):
Rối loạn mỡ máu nguyên phát thường liên quan đến yếu tố di truyền làm suy giảm hoạt tính của LDL-Receptor (thụ thể LDL), suy giảm lipoprotein lipase. Bên cạnh đó, từ sau tuổi 30, chức năng của các tế bào trong cơ thể bị suy giảm, chuyển hóa cơ bản giảm cũng làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu.
Theo các nghiên cứu, có khoảng 80% bệnh nhân rối loạn mỡ máu bắt nguồn từ yếu tố nội sinh.
Đường ngoại sinh (thứ phát):
Có khoảng 20% người bệnh rối loạn mỡ máu do ngoại sinh, bắt nguồn từ những yếu tố nguy cơ như: Chế độ ăn nhiều cholesterol như da, nội tạng động vật (óc, gan...), đồ chiên rán, lòng đỏ trứng, sữa và chế phẩm từ sữa...; hoặc các thức ăn làm tăng "cholesterol xấu" như tinh bột, đồ ngọt. Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia. Lối sống nhiều căng thẳng, stress, thức khuya, ít vận động... Sử dụng thuốc điều trị hoặc bị biến chứng từ một số bệnh lý như tiểu đường, suy thận, suy tuyến giáp, bệnh gan...
![Cholesterol được hình thành từ 2 nguồn là nội sinh và ngoại sinh.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/20/bieu-do-3-6576-1646727377-2913-1647775187.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=msyH9uNVLvH3vmk8wVUEbg)
Cholesterol được hình thành từ 2 nguồn là nội sinh và ngoại sinh.
Từ những nguyên nhân đã phân tích phía trên, ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư chỉ ra nhóm đối tượng có nguy cơ rối loạn mỡ máu cao nhất bao gồm: người từ 30 tuổi trở lên, phụ nữ mãn kinh; người có người thân bị rối loạn mỡ máu.
Những người thừa cân, béo phì, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, hội chứng thận hư, tăng huyết áp, suy tuyến giáp, bệnh gan mạn tính... cũng có nguy cơ cao bị rối loạn mỡ máu.
Một số nhóm người có nguy cơ rối loạn mỡ máu là: Người ăn nhiều chất béo, tinh bột, đường, thức ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn... Người nghiện thuốc lá, uống nhiều rượu bia. Người ít vận động, hay căng thẳng, stress.
![Khám tầm soát bệnh tim mạch theo định kỳ sẽ giúp bệnh nhân sớm phát hiện tình trạng bệnh của mình. Ảnh: Thu Hà](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/03/20/unnamed-8-3682-1646727377-1831-1647775187.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ot8zPm5AbYyfgZCEGzBFrw)
Khám tầm soát bệnh tim mạch theo định kỳ sẽ giúp bệnh nhân sớm phát hiện tình trạng bệnh của mình. Ảnh: Thu Hà
"Ngoài ra, người gầy, người trẻ hoàn toàn có thể mắc rối loạn lipid máu nếu có chế độ ăn uống không lành mạnh như: ăn nhiều nội tạng động vật, thức ăn nhiều cholesterol, lạm dụng rượu bia, hút nhiều thuốc lá, lười vận động...", bác sĩ Anh Thư cho biết.
Đặc biệt, cholesterol có đến 80% là do cơ thể tự tổng hợp. Nhiều người gầy có chế độ ăn uống khoa học nhưng LDL-Receptor tế bào bị suy yếu, không tiếp nhận cholesterol và chuyển cholesterol vào trong tế bào cho các mô và cơ quan sử dụng thì vẫn có thể bị rối loạn mỡ máu.
ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư khuyến cáo, những người khỏe mạnh, có lượng cholesterol bình thường, mỗi năm nên xét nghiệm cholesterol 1-2 lần. Những người có người thân mắc bệnh tim mạch, cholesterol cao, tăng huyết áp... nên đi kiểm tra cholesterol mỗi 3 tháng để phát hiện sớm rối loạn mỡ máu và xử trí kịp thời. Trường hợp rối loạn mỡ máu nhẹ, bệnh nhân có thể chưa cần dùng thuốc điều trị mà chỉ cần thay đổi chế độ ăn, tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, có thể giúp tăng lượng "cholesterol tốt" và giảm lượng "cholesterol xấu" trong cơ thể, phòng ngừa rối loạn mỡ máu.
Bông Huỳnh