Chị Trâm mắc bệnh cường giáp (tăng sản xuất hormone tuyến giáp) 12 năm trước, điều trị nội khoa một năm. Sau khi chị sinh con năm 2021, cường giáp tái phát với biểu hiện mắt lồi, mệt mỏi, đánh trống ngực, dễ cáu gắt. Chị uống thuốc 6 tháng, bệnh ổn định, tái khám 3-6 tháng một lần.
Chị Trâm tái khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đầu tháng 5, kết quả siêu âm tuyến giáp cho thấy nhân giáp kích thước 6x6,5x7 mm ở thùy trái tuyến giáp. Sinh thiết ghi nhận ung thư tuyến giáp thể nhú.
Ngày 23/5, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân cường giáp thường xuất hiện những nhân giáp tăng tiết hormone tuyến giáp (nhân nóng). Những nhân này có xu hướng lành tính, người bệnh không theo dõi, siêu âm định kỳ dễ bỏ qua các nhân giáp khác có nguy cơ ác tính. Trường hợp nhân giáp nhỏ, nằm ở một bên thùy giáp như chị Trâm, bác sĩ cắt một bên thùy. Tuy nhiên, chị bị ung thư tuyến giáp trên nền bệnh cường giáp, tức chức năng thùy giáp không được bình thường. Ê kíp quyết định cắt toàn bộ tuyến giáp cho chị.
Hormone tuyến giáp của người bệnh cường giáp sản xuất nhiều quá mức khiến mô tuyến giáp bở, tăng sinh nhiều mạch máu, nguy cơ mất nhiều máu trong và sau mổ. Theo ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, đánh giá tình trạng này khiến ca mổ khó khăn. Vùng cổ nhạy cảm, chỉ một lượng máu nhỏ chảy sau phẫu thuật có thể chèn ép kích thích xoang cảnh dẫn tới ngưng tim.
Để khắc phục, bác sĩ bóc tách tuyến giáp, dùng gạc bịt kín những vị trí chảy máu nhiều. Ê kíp lấy được toàn bộ tuyến giáp, không gây ảnh hưởng các cơ quan lân cận như khí quản, dây thần kinh quặt ngược thanh quản.
Sau mổ, chị Trâm hồi phục nhanh, không gặp biến chứng khàn tiếng, tê tay chân hay chảy máu. Chị xuất viện hai ngày sau đó, tiếp tục được điều trị iốt phóng xạ để ngừa ung thư tái phát.
![Các bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/05/22/b-2647-1716365323.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uk27bRi7iugjK6TOTbV-RQ)
Các bác sĩ phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Theo bác sĩ Hằng, bệnh nhân ung thư tuyến giáp trên nền cường giáp không có chỉ định phẫu thuật ngay, nếu chưa điều trị bình giáp vì có nguy cơ dẫn đến cơn bão giáp trạng. Đây là tình trạng các chỉ số nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ cơ thể có thể tăng cao đến mức nguy hiểm. Nếu không được điều trị tích cực, kịp thời, người bệnh thường tử vong. Bệnh nhân phải chữa khỏi cường giáp thì mới đủ điều kiện cắt bỏ nhân giáp.
Ung thư tuyến giáp ít biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi khối u phát triển, bệnh nhân có thể khó thở, khó nuốt, đau cổ, thay đổi giọng nói, ho dai dẳng. Bác sĩ Hằng khuyến cáo tầm soát sức khỏe định kỳ, nhất là với nhóm người có nguy cơ gồm tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp, phụ nữ trên 60 tuổi, thiếu máu ác tính, đái tháo đường, suy thượng thận nguyên phát, rối loạn nội tiết tố...
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, duy trì chế độ ăn phù hợp, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng lý tưởng, tránh hút thuốc và thức uống chứa cồn, nước ngọt có gas... Những thay đổi này giúp tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |