Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện
Bên cạnh giảm muối, ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục điều độ góp phần cân bằng huyết áp. Để bảo vệ sức khỏe, người có tiền sử bệnh huyết áp nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng chương trình tập luyện mới. Bởi thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm giảm nhịp tim, ảnh hưởng đến sức bền. Người mới bắt đầu tập thể dục có thể đi bộ cùng người thân, bạn bè, bơi lội, tham gia câu lạc bộ thể thao, tập yoga...
Lựa chọn bài tập phù hợp
Aerobic, đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập thể dục nhịp điệu... là những bài tập phù hợp góp phần kiểm soát huyết áp. Người mới đi bộ nên bắt đầu 5 phút mỗi ngày, sau đó tăng thêm thời gian, đặt mục tiêu khoảng 30 phút hàng ngày hoặc chuyển sang chạy bộ nhẹ nhàng. Bài tập giãn cơ hỗ trợ tăng nhịp tim, thay đổi sức cản mạch máu toàn thân thông qua nhiều động tác khác nhau, góp phần điều hòa hệ thống tim mạch và giảm huyết áp.
Bơi lội giảm áp lực lên khớp, xương, hỗ trợ lưu thông máu, tăng cường cơ bắp ở cánh tay, chân và cơ trung tâm, cân bằng huyết áp. Yoga có hiệu quả trong việc giảm căng thẳng, có lợi cho sức khỏe người bị tăng huyết áp.
Người tập cần hiểu rõ tình trạng sức khỏe bản thân, học cách thở đúng cách. Khi huyết áp tăng cao, tim phải hoạt động mạnh để đẩy máu vượt qua các mạch máu. Người bị cao huyết áp thường có mức căng thẳng, căng cơ tim hơn so với người bình thường. Do đó, bài tập cường độ cao làm tăng nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch.
Bắt đầu từ thời gian ngắn
Người mới bắt đầu tập thể dục nên thực hiện 0-15 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần lên khoảng 30-60 phút, duy trì 3-5 ngày một tuần. Người có thể lực kém hơn nên bắt đầu với thời lượng ngắn, tăng dần thời gian khi thể lực cải thiện. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần.
Kiên trì luyện tập
Để đạt được lợi ích từ tập thể dục, mỗi người nên duy trì thói quen này trong thời gian dài. Ngoài góp phần cân bằng huyết áp, tập luyện hỗ trợ kiểm soát cân nặng, từ đó duy trì vóc dáng thon gọn, giảm nguy cơ mắc tiểu đường, thoái hóa khớp, loãng xương...
Ngoài tập luyện, mỗi người nên duy trì chế độ ăn, nghỉ ngơi khoa học để điều hòa huyết áp. Kali là khoáng chất quan trọng góp phần loại bỏ natri, giảm áp lực lên mạch máu. Chuối, rau lá xanh, khoai lang... giàu kali.
Lê Nguyễn (Theo WebMD)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |