Bà Cui gãy liên mấu chuyển xương đùi (vị trí giữa cổ xương đùi và khối mấu chuyển), đã được phẫu thuật đóng đinh nội tủy (PFNA) hai tháng trước, nay chân sưng đau. Ngày 23/7, TS.BS.CKII Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà nằm bất động nhiều ngày khiến máu bị ứ trệ, dần hình thành cục máu đông. Thông thường người bệnh bị gãy liên mấu chuyển xương đùi cần phẫu thuật ngay để vận động sớm, ngăn ngừa biến chứng do nằm bất động lâu. Bà Cui đã được phẫu thuật đóng đinh nội tủy nhưng vì loãng xương nặng do tuổi cao nên vị trí gãy không lành. Cây đinh đóng bị trồi lên cao xuyên vào xương chậu khiến bà đau nhức không đi lại được.
Bà mắc nhiều bệnh nền gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận mạn, hẹp nặng mạch vành. BS.CKI Đỗ Duy Long, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá người bệnh có nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp, nhồi máu cơ tim, tử vong trên bàn mổ rất cao. Bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc kháng đông để kiểm soát huyết khối, thêm các loại thuốc ổn định tim và thận. Sau hai tuần điều trị, bà đủ sức khỏe để phẫu thuật thay khớp háng.
Nhằm giảm tối đa rủi ro, các bác sĩ chụp CT dựng hình khớp háng, đánh giá vị trí khuyết xương trước mổ. Tiếp đến, êkíp rút đinh nội tủy, ghép xương tự thân từ vị trí cổ xương đùi, đóng khớp háng chuôi dài.
Bà Cui hồi phục nhanh, hết đau vùng háng phải, tập vật lý trị liệu để tránh huyết khối nặng thêm và khôi phục chức năng vận động chân phải. Một tuần sau mổ bà đứng được, sức khỏe ổn định, xuất viện. Dự kiến 4-6 tuần tới, bà có thể đi lại, tiếp tục uống thuốc kháng đông trong ít nhất ba tháng, tái khám định kỳ.

Bác sĩ Long kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau mổ một tuần. Ảnh: Hạ Vũ
Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới là tình trạng cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu ở chân. Bệnh xảy ra do một trong các nguyên nhân như giảm lưu lượng máu tĩnh mạch về tim, tổn thương tế bào nội mô mạch máu, và tình trạng tăng đông máu quá mức. Nếu không được chữa trị kịp thời, máu tụ có thể di chuyển đến phổi gây tắc mạch phổi, dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến hệ tuần hoàn, hô hấp.
Để phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, bác sĩ khuyến cáo duy trì cân nặng ổn định, tránh thừa cân béo phì, hạn chế đứng ngồi lâu một tư thế, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống đủ nước để tránh táo bón. Chủ động tầm soát định kỳ, đặc biệt với người có yếu tố nguy cơ như hội chứng thận hư, lupus ban đỏ hệ thống, ung thư, đột quỵ não di chứng liệt nửa người, tổn thương tủy sống có liệt tứ chi, béo phì, phụ nữ có thai, người đã trải qua phẫu thuật lớn vùng chi dưới như thay khớp háng...
Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch sâu như sưng chân, đau chân, da bị đỏ hoặc đổi màu, các tĩnh mạch gần bề mặt da có thể lớn hơn bình thường..., người bệnh nên đi khám ngay để có phương án điều trị kịp thời.
Thu Hà
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |