Năm 2024 đánh dấu giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất của Garmin tại thị trường Việt Nam kể từ khi có mặt vào năm 2021. Hãng ghi nhận hơn 480.000 người dùng, tăng 50% so với cùng kỳ, vượt lên dẫn đầu về tốc độ mở rộng tệp khách hàng trong khu vực APAC. Thành tích này đưa Garmin trở thành thương hiệu giữ vị trí số một thị phần đồng hồ thông minh tại Việt Nam, tính theo giá trị thiết bị bán ra, theo số liệu từ IDC (International Data Corporation).

Garmin Forerunner 970 là mẫu đồng hồ mới nhất thuộc dòng sản phẩm mang tính biểu tượng của Garmin. Ảnh: Garmin
Đại diện hãng cho biết, kết quả trên phản ánh xu hướng người tiêu dùng Việt ngày càng ưu tiên lựa chọn đồng hồ thông minh như một công cụ theo dõi sức khỏe và hỗ trợ luyện tập chuyên sâu, thay vì chỉ sử dụng như một thiết bị công nghệ phổ thông.
Thị trường smartwatch Việt Nam hiện chia thành ba nhóm chính: phổ thông (dưới 5 triệu đồng), trung cấp (5-10 triệu đồng) và cao cấp (trên 10 triệu đồng). Ở phân khúc cao cấp - nơi tập trung nhiều người dùng yêu thích thể thao và quan tâm sức khỏe - Garmin cho biết họ chiếm ưu thế nhờ danh mục sản phẩm trải dài, gồm các dòng như Forerunner (dành cho người chạy bộ), fēnix (thể thao ngoài trời), Venu (sức khỏe) và MARQ (cao cấp).
Ngoài thiết bị, hệ sinh thái Garmin còn tích hợp huấn luyện viên ảo Garmin Coach, thanh toán không chạm Garmin Pay và nền tảng kết nối người dùng Garmin Connect.

Đồng hồ Garmin Forerunner 570 và đai tim HRM 200. Ảnh: Garmin
Khảo sát từ đơn vị nghiên cứu Cimigo cho thấy, người tiêu dùng thu nhập cao tại Việt Nam chọn smartwatch dựa trên ba yếu tố: khả năng theo dõi sức khỏe (nhịp tim, giấc ngủ, SpO2...), hiệu suất tập luyện (GPS, chỉ số chuyên sâu) và các tiện ích thông minh (gọi điện, thông báo, thanh toán). Nhóm này ít nhạy cảm về giá, nhưng đặt nặng uy tín thương hiệu và độ chính xác của dữ liệu.
"Garmin không chỉ cung cấp thiết bị đeo tay, mà đang kiến tạo một hệ sinh thái sống khỏe - nơi người dùng có thể chủ động theo dõi và cải thiện sức khỏe mỗi ngày", ông Ivan Lai - Giám đốc khu vực Garmin Việt Nam nói.
Song song với hoạt động kinh doanh, Garmin cũng mở rộng ảnh hưởng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số thông qua nền tảng Garmin Health. Dữ liệu từ thiết bị đeo có thể tích hợp với các hệ thống y tế, hỗ trợ bác sĩ trong theo dõi bệnh lý, xây dựng kế hoạch điều trị và phòng ngừa.

Đồng hồ Garmin đa dạng chế độ luyện tập. Ảnh: Garmin
Tại châu Á, một nghiên cứu kéo dài ba năm do Viện BEBI (Đài Loan) phối hợp Bệnh viện En Chu Kong cho thấy, bệnh nhân mắc rối loạn hoảng sợ có thể giảm tỷ lệ tái phát xuống 5% nếu duy trì giấc ngủ và vận động theo khuyến nghị từ dữ liệu của đồng hồ Garmin. Nền tảng này cũng được ứng dụng trong các chương trình quản lý sức khỏe nhân viên, cộng đồng và tổ chức giải thưởng Garmin Health Awards thường niên để thúc đẩy các sáng kiến công nghệ đeo tay trong chăm sóc sức khỏe.
Với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm ước tính 15-18% đến năm 2030, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường trọng điểm của khu vực APAC. Do đó, đại diện hãng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư dài hạn vào thị trường này, đẩy mạnh đồng hành cùng người tiêu dùng Việt trong hành trình nâng cao chất lượng sống.
Lan Anh