Bà Liễu mắc bệnh thấp tim, phẫu thuật thay van hai lá 24 năm trước. Mới đây bà bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (nhiễm trùng lớp nội mạc bên trong tim) dẫn đến biến chứng nhiễm trùng máu phá hỏng van nhân tạo, hở van nặng, suy tim tiến triển nhanh, cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội trong tình trạng suy tim giai đoạn cuối (NYHA IV).
Ngày 18/7, PGS.TS.BS.CKII Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, cho biết gan của bệnh nhân to 5-7 cm, tràn dịch màng phổi, phổi giãn to như quả bóng do tăng áp động mạch phổi nặng, hở van hai lá và ba lá mức độ nặng. Tình trạng suy tim tiến triển gây suy giảm chức năng gan, thận, rối loạn đông máu do phải sử dụng thuốc liều cao lâu ngày. Khoảng 90% bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối có thể tử vong trong vòng 6-12 tháng nếu không được phẫu thuật, theo PGS Ước.
PGS Ước đánh giá đây là ca mổ tim hở phức tạp do bà Liễu từng được phẫu thuật tim, vùng mổ cũ bị dính nhiều, đường vào tiếp cận khó. Người bệnh tuổi cao, suy tim kéo dài làm suy đa tạng trong cơ thể nên có nguy cơ cao gặp các biến cố trong và sau mổ. Êkíp quyết định phẫu thuật, đặt hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể qua đường đùi để giảm nguy cơ rung tim và chảy máu khi mở ngực. Van nhân tạo của người bệnh bị hoại tử do nhiễm trùng, bác sĩ phải bóc tách tổ chức viêm, cắt bỏ vòng van cũ, thay mới trong thời gian nhanh nhất.

PGS Ước khám cho bà Liễu sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sau mổ, bà Liễu bị tăng áp động mạch phổi, phù phổi và suy đa cơ quan. Với tình trạng này, thông thường giải pháp được ưu tiên là đặt ECMO (hệ thống hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp ngoài cơ thể) để tim phổi của người bệnh được nghỉ ngơi, có thời gian phục hồi. Tuy nhiên, theo PGS Ước, đặt ECMO kèm với nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng, nguy hiểm trong trường hợp bà Liễu. Vì vậy, bác sĩ sử dụng giải pháp lọc máu liên tục tại chỗ, loại bỏ các chất độc, chất điện giải dư thừa trong máu chậm rãi, liên tục suốt 24 giờ. Sức khỏe bà dần chuyển biến theo hướng tích cực, đi tiểu được, phù phổi giảm dần, chỉ số huyết áp ổn định hơn, các thông số tuần hoàn cải thiện. Bà xuất viện sau 17 ngày, tiếp tục điều trị nội khoa, tái khám định kỳ.

Bà Liễu phục hồi sau phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Theo PGS Ước, tỷ lệ sống của bệnh nhân sau phẫu thuật thay van tim là trên 90% sau 5 năm và trên 80% sau 10 năm.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |