Vẻ ngoài My khỏe mạnh, sinh hoạt và đi học bình thường song không thể tập thể dục, lên xuống cầu thang phải dừng lại nghỉ. TS.BS Trần Vũ Minh Thư, Trưởng khoa Nội tim mạch 2, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho hay thành cơ tim vùng vách liên thất của My dày gần gấp đôi người bình thường do cơ tim phì đại thể thất trái phì đại không đồng tâm (các thể khác gồm dày toàn bộ cơ tim, dày mỏm tim...). Ngoài ra, cơ tim bệnh nhân bị xơ hóa nhiều, gây rối loạn nhịp. Nhịp tim có lúc xuống 42 lần/phút hoặc đến 180 lần/phút (nhịp tim bình thường khoảng 60-100 lần/phút).
Ba biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cơ tim phì đại là suy tim, đột tử, đột quỵ. "My thuộc nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao đột tử, cần đặt máy khử rung tim (ICD) để ngừa cơn nhịp nhanh gây đột tử", bác sĩ Thư nói. Sau can thiệp đặt máy ICD, nhịp tim My về mức 65 nhịp/phút, tiếp tục điều trị nội khoa và theo dõi định kỳ.
Bệnh cơ tim phì đại ít khi biểu hiện triệu chứng ở trẻ. Tỷ lệ trẻ mắc bệnh này khoảng 1/200.000, ở người lớn là 1/500, theo bác sĩ Thư.
6 năm trước, My thường xuyên mệt, khó thở, ngất dù không hoạt động gắng sức, nhập viện, bác sĩ ở một bệnh viện kê toa thuốc phục hồi sức khỏe. Một năm sau, My ngất, siêu âm tim tại phòng khám tư phát hiện tim của My không giống người bình thường. Khám tại bệnh viện tuyến trên, bác sĩ chẩn đoán My mắc bệnh cơ tim phì đại, cải thiện triệu chứng sau vài tuần điều trị, tiếp tục uống thuốc và tái khám định kỳ. 16 tuổi, My đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị.
ThS.BS Trần Hữu Danh, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, giải thích bệnh cơ tim phì đại là bệnh lý di truyền gây ra bởi các đột biến gene khiến cơ tim phát triển bất thường, thành tim dày lên. Bệnh có thể tiến triển âm thầm dẫn đến tắc nghẽn đường ra thất trái, hở van hai lá, rối loạn chức năng tâm trương, thiếu máu cơ tim và loạn nhịp tim. Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân mệt mỏi, đau ngực, khó thở khi gắng sức, ngất.
Xét nghiệm gene cả gia đình cho thấy My di truyền từ bố. Bệnh nhân không có hoặc có rất ít triệu chứng nên thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi có biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Bệnh cơ tim phì đại là nguyên nhân thường gặp dẫn đến đột tử ở vận động viên và người trẻ. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Hiện có nhiều phương pháp điều trị nhằm giảm triệu chứng, biến chứng nguy hiểm. Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện bệnh sớm, có hướng chữa trị kịp thời.
Người bệnh cần được khám, theo dõi và quản lý bệnh để tránh nguy cơ tiến triển xấu đi. Người bệnh tái khám đúng hẹn nhằm phát hiện sớm bất thường, xử trí kịp thời, phòng biến chứng nguy hiểm.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |