Trả lời:
Ăn trứng vào bữa sáng cung cấp năng lượng và dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Một quả trứng (khoảng 50 g) chứa khoảng 66 calo, nhưng có 6,4 g protein chất lượng cao, vitamin B12, D, A, E cùng các khoáng chất như sắt, kẽm, selen... Thực phẩm này cũng giàu omega-3 và omega-6, có tác dụng giảm viêm, tốt cho sức khỏe tim mạch, chức năng não.
Cách bảo quản, chế biến thực phẩm ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng, khả năng tiêu hóa và hấp thụ các dưỡng chất. Trứng hấp, luộc lành mạnh vì ít chất béo, dễ tiêu hóa. Các món trứng ốp la, chiên ngập dầu chứa nhiều chất béo, có thể kích thích tiết axit dạ dày, gây đầy hơi, khó tiêu. Trong đó, món trứng lòng đào (trứng nấu chín tái, lòng đỏ còn chảy) nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.
Trứng lòng đào giữ được nhiều dưỡng chất nhạy cảm với nhiệt độ hơn so với trứng nấu chín kỹ. Tuy nhiên khả năng tiêu hóa, hấp thu protein cùng với một số vi chất biotin (vitamin B7) lại bị giảm sút. Protein trong trứng nấu chín dễ tiêu hóa hơn so với protein trứng sống. Trứng chưa chín kỹ như trứng lòng đào vẫn chứa chất avidin có khả năng gắn kết với biotin trong ruột, làm cản trở quá trình hấp thu biotin. Khi trứng được nấu chín hoàn toàn, avidin bị bất hoạt, giúp cơ thể hấp thu biotin hiệu quả.
Trứng có thể chứa vi khuẩn gây bệnh đường ruột salmonella, ngay cả khi được lau rửa, bảo quản ở nơi sạch sẽ, không bị dập vỡ. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong lòng đỏ trứng chưa chín. Khi tiêu thụ, chúng có thể gây co thắt dạ dày, tiêu chảy, nôn mửa, sốt. Các triệu chứng thường xuất hiện sau 12-36 giờ sau khi ăn trứng nhiễm salmonella, kéo dài 2-7 ngày. Trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người già, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao gặp biến chứng nặng.
Nấu trứng chín kỹ tuy có thể giảm một phần dưỡng chất nhạy cảm với nhiệt độ nhưng an toàn cho sức khỏe. Bạn nên hạn chế tiêu thụ trứng lòng đào. Khi sử dụng trứng nên lựa chọn loại còn tươi, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản đúng cách.
Để kiểm tra độ tươi của trứng, bạn có thể áp dụng phương pháp đơn giản là thả trứng vào một ly nước. Trứng tươi sẽ nằm ngang dưới đáy ly. Trứng hơi cũ sẽ dựng đứng hoặc lơ lửng trong nước, trứng hỏng sẽ nổi lên mặt nước do khí sinh ra trong quá trình phân hủy, cần loại bỏ ngay.
Bạn nên rửa sạch trứng nhẹ nhàng nếu có vết bẩn, sau đó bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 5 độ C. Không nên dùng trứng đã bị nứt vỏ hoặc dính bẩn khó làm sạch vì vi khuẩn có thể xâm nhập qua lớp vỏ bị tổn thương.
Trứng cần được nấu ở nhiệt độ tối thiểu khoảng 70 độ C trong ít nhất hai phút để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Không nên ăn trứng đã chế biến qua đêm, kể quả bảo quản trong tủ lạnh do nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Bạn lưu ý không nên ăn trứng cùng sữa đậu nành, vì một số hợp chất trong đậu nành có thể ức chế enzym tiêu hóa protein, làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất. Hạn chế uống trà ngay sau khi ăn trứng, vì tanin có trong trà có thể kết hợp với protein tạo thành hợp chất khó tiêu, dẫn đến táo bón hoặc đầy bụng. Người đang bị sốt không nên ăn trứng, vì protein trong trứng albumin và ovoglobulin được hấp thu gần như hoàn toàn (99,7%) tạo ra nhiệt lượng cao sau tiêu hóa, tăng thân nhiệt.
Chuyên viên Nguyễn Thị Thương
Khoa Dinh dưỡng tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |