Bác sĩ Trần Thị Trà Phương, Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tổ yến chứa carbohydrate, glycoprotein, glucosamine, axit folic, vitamin, khoáng chất (canxi, natri, magie, kẽm, mangan, sắt), chất chống oxy hóa, chất xơ, lysine, collagen... tốt cho da, xương, hệ hô hấp, miễn dịch. Ăn tổ yến có thể hỗ trợ, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện quá trình trao đổi chất, tăng cân, kích thích phát triển hồng cầu, tăng trưởng tế bào, chống viêm... Một số trường hợp ăn nhiều món này có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe.
Người có cơ địa dị ứng nên cẩn trọng khi sử dụng do protein trong tổ yến là loại mà cơ thể hàng ngày ít gặp. Nhóm người này ăn có thể bị ngứa, nổi mày đay, khó thở, sưng môi, lưỡi hoặc họng, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy...; trường hợp nặng gây sốc phản vệ.
Người bệnh gout ăn nhiều protein làm tăng sản xuất axit uric trong máu, dẫn đến tích tụ tinh thể urat trong khớp, khiến bệnh nặng hơn.
Trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa non yếu, chưa thích nghi với nhiều loại thực phẩm thường khó hấp thu protein trong tổ yến. Trẻ ăn tổ yến quá sớm gây rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm.
Người bệnh gan hoặc suy thận ăn nhiều protein từ tổ yến dễ khiến tình trạng diễn biến xấu.
Phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng, trong khi tổ yến có thể kích thích phản ứng dị ứng. Hệ tiêu hóa của thai phụ lúc này cũng nhạy cảm hơn, khó tiêu hoặc tăng cảm giác buồn nôn.
Người già có hệ tiêu hóa kém, khả năng hấp thu dinh dưỡng giảm, nếu ăn nhiều dễ bị khó tiêu.
Người bệnh đái tháo đường ăn loại tổ yến chế biến sẵn có thể thêm đường hoặc chất tạo ngọt có nguy cơ tăng lượng đường trong máu.
![Người có cơ địa dị ứng, mắc bệnh gan thận không nên ăn tổ yến thường xuyên. Ảnh: Huyền Trang](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/image001-1739245329-3546-1739245472.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EW1sezds_NgO08mcj1jsHw)
Người có cơ địa dị ứng, mắc bệnh gan thận không nên ăn tổ yến thường xuyên. Ảnh: Huyền Trang
Bác sĩ Phương lưu ý người ăn tổ yến cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như E.coli, Salmonella, Staphylococcus aureus, nấm men, nấm mốc; cúm gia cầm H5N1... Mọi người nên chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, trong quá trình chế biến cần sơ chế kỹ, ngâm rửa bằng nước sạch 2-3 lần.
Khi bắt đầu sử dụng, mọi người dùng một lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể. Người bị mệt mỏi, choáng váng, phát ban cần ngừng sử dụng. Liều lượng tổ yến nên được điều chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe, nhu cầu dinh dưỡng của từng người. Tránh ăn quá nhiều cùng lúc gây dư thừa dinh dưỡng, ảnh hưởng hệ tiêu hóa.
Người mắc bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, huyết áp hoặc đang sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý khác nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng tổ yến.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |