Vài phút đầu tiên sau khi chuông báo thức reo có thể là lúc bạn đang "đấu tranh" với bản thân. Nhiều người gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng, nhất là khi ngủ muộn, cơ thể mệt mỏi.
Bác sĩ Navya Mysore công tác tại One Medical Group (Mỹ), chia sẻ trên Womens' Health, ăn nhiều vào ban đêm, uống rượu hoặc xem tivi, điện thoại... trước khi ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn, khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn vào sáng sớm. Vào mùa đông, nhiệt độ lạnh và buổi sáng ít ánh nắng hơn cũng có thể làm bạn khó tỉnh táo.
Dưới đây là những lời khuyên giúp bạn vệ sinh giấc ngủ, để dễ đánh thức bản thân vào buổi sớm mai.
Chú trọng chất lượng giấc ngủ: Giấc ngủ chất lượng có thể ảnh hưởng đến việc bạn thức dậy vào buổi sáng. Để ngủ ngon hơn, bạn nên thư giãn vào buổi chiều và tắt tất cả các màn hình máy tính, điện thoại ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ. Nếu bạn thức dậy vào ban đêm cũng không nên sử dụng chúng. Người thường ngủ ngáy hoặc mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ nên thăm khám bác sĩ. Hạn chế caffein và rượu vào ban đêm, giữ phòng ngủ của bạn mát mẻ và yên tĩnh cũng là cách giúp bạn sâu giấc.
Đặt thiết bị báo thức ở xa giường: Bạn nên đặt điện thoại hoặc đồng hồ báo thức ở xa giường. Do đó, bạn buộc phải ra khỏi giường để tắt nó đi. Khi phần khó nhất để thức dậy bạn đã vượt qua và bạn có thể bắt đầu các hoạt động buổi sáng dễ dàng hơn.
Đặt báo thức sớm hơn vài phút mỗi ngày: Nếu bạn đã quen với việc ngủ nướng thì nên bắt đầu thay đổi. Bạn nên đặt báo thức sớm hơn 10 phút so với thời gian thường thức dậy mỗi ngày. Trong một vài tuần, bạn có thể bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn khi thức dậy sớm hơn. Để thức dậy, bạn cũng có thể nghĩ đến những mục tiêu khác nhau, những thói quen yêu thích hoặc đơn giản là ăn một món ăn ngon.
Mở rèm cửa cho ánh sáng chiếu vào: Chúng ta sẽ ngủ khi mặt trời lặn và sau đó thức dậy khi mặt trời mọc. Khi mặt trời lặn, não bắt đầu tạo ra melatonin (hormone có tác dụng gây buồn ngủ) một cách tự nhiên. Đây là lý do tại sao bạn nên tránh màn hình của thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Vì ánh sáng của chúng có thể phá vỡ chu kỳ tự nhiên của giấc ngủ. Vào buổi sáng, ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng sẽ giúp ngăn sản xuất melatonin. Bạn nên mở rèm cửa sau khi chuông báo thức kêu càng sớm càng tốt.
![Mở cửa cho ánh sáng chiếu vào phòng, thực hiện vài động tác vươn vai giúp bạn tỉnh táo hơn khi thức dậy. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/14/G1-3420-1668427055.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=rlZ5IO0DBUTWZh4WkTl24w)
Mở cửa cho ánh sáng chiếu vào phòng, thực hiện vài động tác vươn vai giúp bạn tỉnh táo hơn khi thức dậy. Ảnh: Freepik
Thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, ngay cả vào cuối tuần: Dù là ngày nghỉ, bạn cũng hạn chế đi ngủ muộn và thức dậy muộn. Vì điều này giúp bạn duy trì thói quen tốt để bản thân dời khỏi giường dễ dàng hơn. Những "cú đêm" cũng nên bỏ thói quen ngủ muộn vì nó không tốt cho sức khỏe. Bằng việc thay đổi những thói quen từ từ, bạn có thể dần điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thê để ngủ sớm và dậy sớm.
Uống một cốc vào buổi sáng: Cơ thể thường bị mất nước vào buổi sáng và có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, khi bạn ra khỏi giường và đặt chân xuống đất, bạn nên uống một cốc nước. Nó giúp bạn tỉnh táo hơn và các cơ quan trong cơ thể hoạt động cũng trơn tru hơn.
Tập thể dục buổi sáng: Không phải ai cũng có thói quen tập thể dục buổi sáng. Nhưng bạn nên tập thói quen vận động cơ thể vào buổi sáng để thoải mái hơn. Các hình thức vận động đều hữu ích tiếp cho bạn thêm năng lượng cho ngày mới.
Thăm khám bác sĩ: Nếu bạn thường xuyên ngủ đủ giấc nhưng bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi vào buổi sáng đến mức khó rời khỏi giường thì nên thăm khám bác sĩ. Có thể có những vấn đề đang ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà bạn cần phải giải quyết.
Kim Uyên
(Theo Womens' Health)