Một phân tích tổng hợp trên 13 nghiên cứu của Bệnh viện trực thuộc Đại học Y Tây Nam (Trung Quốc) và một số đơn vị khác với hơn 326.900 người tham gia cho thấy, phụ nữ có nguy cơ mất ngủ cao hơn 58% so với nam giới. Sự thay đổi hormone estrogen và progesterone, dễ lo lắng, trầm cảm là nguyên nhân khiến chị em dễ mất ngủ hơn phái mạnh, ảnh hưởng đến nhan sắc lẫn sức khỏe.
Lão hóa da sớm
Chứng mất ngủ kinh niên là tác nhân gây tổn thương da đáng kể, với các biểu hiện lão hóa sớm như xuất hiện nếp nhăn, tăng sắc tố da (sạm, nám) và giảm độ đàn hồi. Tình trạng này còn làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn da nghiêm trọng như mụn trứng cá, chàm, vẩy nến, viêm da dị ứng và kích ứng.
BS.CKI Phạm Mạnh Hoàn, Trưởng phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học và Thử nghiệm lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM lý giải, thiếu ngủ làm giảm sản xuất somatotropin - hormone tăng trưởng giúp duy trì làn da trẻ trung và khỏe mạnh. Thiếu ngủ cũng làm giảm lượng melatonin - hormone điều hòa nhịp sinh học cơ thể để duy trì giấc ngủ bình thường và cũng là chất chống oxy hóa, bảo vệ da trước tác hại của các gốc tự do. Trong khi đó, mất ngủ lại làm tăng nồng độ cortisol - hormone căng thẳng gây ra chứng viêm, phá vỡ cấu trúc các sợi collagen nâng đỡ da.
Trằn trọc nhiều trong đêm cũng khiến tuần hoàn máu kém và lượng oxy trong máu thấp hơn bình thường. Điều này gây suy yếu khả năng tự phục hồi và trẻ hóa của làn da, khiến da nhanh già trước tuổi.
![Mất ngủ khiến phụ nữ xuống cấp cả về sắc vóc và sức khỏe. Ảnh: Feepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/10/01-1231-1668044466.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p-wz18ljVSH2s3SL_6zORQ)
Mất ngủ khiến phụ nữ "xuống cấp" cả về sắc vóc và sức khỏe. Ảnh: Feepik
Rụng tóc nhiều
Không chỉ khiến làn da nhanh lão hóa, thiếu hụt melatonin do mất ngủ cũng làm chậm sự phát triển của tóc và gây ra hiện tượng rụng tóc bất thường ở phụ nữ. Nếu thiếu ngủ kéo dài dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi quá mức, khiến các nang tóc rơi vào trạng thái nghỉ ngơi hoặc rụng sớm hơn bình thường.
Thừa cân, béo phì
Mất ngủ thúc đẩy cơ thể sản sinh ra nhiều hơn các hormone điều chỉnh sự thèm ăn là leptin và ghrelin. Khi hai hormone này tăng cao khiến chị em nhanh đói và có xu hướng ăn nhiều thực phẩm giàu calo, chất béo hơn. Tiêu thụ calo và chất béo quá mức, nhất là vào ban đêm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tăng cân, béo phì ở nhóm nữ giới thường xuyên mất ngủ.
Trầm cảm
Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Theo khảo sát kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia của Mỹ năm 2009-2016 với hơn 1.740 phụ nữ cho thấy, chị em khó ngủ, mất ngủ có nguy cơ trầm cảm cao hơn gấp 3 lần.
Bác sĩ Hoàn giải thích thêm, mất ngủ kinh niên làm giảm thấp serotonin - một chất dẫn truyền thần kinh của não, dẫn đến lo lắng, trầm cảm. Thiếu ngủ còn gây rối loạn cảm xúc và suy giảm tâm trạng, giảm khả năng đối phó với áp lực cuộc sống.
Tăng nguy cơ đột quỵ
Mất ngủ làm tăng nguy cơ nhập viện vì đột quỵ. Bác sĩ Hoàn phân tích, hệ thống bạch mạch của bộ não dọn dẹp các chất độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa khi chúng ta ngủ. Nếu mất ngủ, các chất độc hại, nhất là gốc tự do gia tăng tích tụ.
Gốc tự do tấn công các tế bào thần kinh, gây ra thoái hóa thần kinh với các biểu hiện giảm tập trung và khả năng tư duy, suy giảm trí nhớ, khó thích ứng với stress và làm cho mất ngủ trầm trọng hơn. Gốc tự do còn gây tổn thương tế bào nội mạc mạch máu, dẫn đến rối loạn vận mạch và gây đau đầu, đau nửa đầu. Tổn thương các tế bào nội mạc mạch máu là tiền đề hình thành các mảng xơ vữa, gây hẹp động mạch não, tăng nguy cơ đột quỵ.
Để ngủ ngon hơn, cải thiện sắc vóc và phòng các bệnh nguy hiểm, bác sĩ Hoàn khuyên các chị em nên tìm cách giảm căng thẳng, lo lắng để giảm hình thành gốc tự do. Phái đẹp có thể áp dụng các liệu pháp thư giãn, giảm căng thẳng như thiền, yoga, tắm nước nóng, ngâm chân trong tinh dầu, nghe nhạc, đọc sách... Đi du lịch, cắm trại hoặc gặp gỡ bạn bè cũng là cách xoa dịu tâm hồn, vượt qua các khủng hoảng tâm lý.
![Vui chơi cùng bạn bè, loại bỏ căng thẳng giúp chị em ngủ ngon giấc hơn. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/10/ca-hat-8814-1668044466.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ajxbvqHMhkudZCkJ71R_Mw)
Vui chơi cùng bạn bè, loại bỏ căng thẳng giúp chị em ngủ ngon giấc hơn. Ảnh: Freepik
Chị em có thể bổ sung các chất có khả năng trung hòa gốc tự do, ví dụ như các dưỡng chất thực vật được chiết xuất từ trái blueberry (việt quất) và ginkgo bilola (bạch quả). Sự kết hợp hai dưỡng chất này có thể giảm nguy cơ xơ vữa thành mạch, hoạt huyết não, góp phần tăng cường kết nối thần kinh, ngủ ngon và ngủ sâu giấc hơn, hỗ trợ phòng trầm cảm và đột quỵ.
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể chất đều đặn giúp tăng cường sức khỏe và góp phần ổn định nội tiết tố. Nếu mất ngủ, khó ngủ kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, chị em nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh để thăm khám.
Hường Nguyễn