Kết quả nội soi của anh Thạch tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy ống tai và màng nhĩ sung huyết, viêm nề, có nhiều dịch tiết ứ đọng. Ngày 14/5, thạc sĩ, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hương cho biết người bệnh bị viêm ống tai màng nhĩ mạn tính, chưa thủng màng nhĩ.
Các loại động vật chân khớp như rết mang theo nhiều nọc độc, bụi bẩn, vi khuẩn, vi trùng ở trong đất ô nhiễm nên khi chui vào tai người khiến tai nhiễm trùng, gây viêm. Bệnh không được phát hiện và điều trị đã chuyển thành viêm ống tai màng nhĩ mạn tính.
Anh Thạch được điều trị nội khoa và nhỏ thuốc để kiểm soát nhiễm trùng, rửa tai loại bỏ dịch tiết ứ đọng trong ống tai. Hai tuần sau tái khám, tai anh không còn đau và chảy mủ, hết viêm.
Viêm ống tai màng nhĩ mạn tính là tình trạng nhiễm trùng ở tai ngoài kéo dài trên ba tháng với biểu hiện chảy mủ, phù nề da vùng ống tai, màng nhĩ. Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, nhiễm trùng tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng như thủng màng nhĩ, giảm thính lực, gây điếc, viêm não hoặc viêm màng não. Trường hợp thủng màng nhĩ phải can thiệp vá nhĩ để ngăn nhiễm trùng và hồi phục khả năng nghe cho người bệnh.
Những nơi ẩm thấp, nhiều đồ đạc thuận lợi cho côn trùng như kiến, ruồi, muỗi trú ngụ. Chúng có thể chui vào tai khi bạn nằm ngủ dưới sàn nhà hay ngủ ngoài trời, gây đau nhức, khó chịu, nhiễm trùng, viêm tai, chảy máu do bị tổn thương màng nhĩ.
Để phòng ngừa, bác sĩ Hương khuyến cáo không nên ngủ hoặc nằm ở nơi ẩm thấp, vệ sinh sạch sẽ nơi ở. Nếu bị côn trùng kích thước lớn chui vào tai, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để bác sĩ lấy ra và xử lý tổn thương. Sau đó, cần vệ sinh tai sạch sẽ, nhỏ thuốc đều đặn để phòng ngừa viêm nhiễm.
Nếu côn trùng nhỏ chui vào tai, cách xử trí ban đầu là nằm nghiêng hoặc nghiêng đầu về phía tai mà côn trùng chui vào, ra chỗ nhiều ánh sáng. Người trợ giúp dùng oxy già hoặc nước muối sinh lý ấm nhỏ ngập tai để côn trùng tự chui ra ngoài hoặc chết vì ngạt, rồi trôi ra ngoài, nếu côn trùng vẫn còn trong tai cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Không sử dụng dụng cụ để ngoáy móc vì sẽ đẩy côn trùng đi vào sâu bên trong, khiến loại bỏ chúng khó khăn hơn.
Uyên Trinh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |