Implant là một trụ răng giả dùng để thay thế chân răng đã mất. Trụ implant này được đặt cố định vào trong xương hàm, đóng vai trò như một chân răng nhân tạo, giúp nâng đỡ mão răng sứ bên trên, khôi phục chức năng ăn nhai và tính thẩm mỹ cho răng đã mất. Khi được cắm implant đúng kỹ thuật, implant sẽ có độ bền cao, tích hợp chắc chắn với xương hàm và hoạt động tương tự răng thật. Theo bác sĩ Mai Hồng Thái, Phó giám đốc chuyên môn của Nha khoa I-Dent, trụ implant nha khoa có những ưu điểm:
Độ bền cao. Trụ Implant được làm từ Titanium, vật liệu sinh học an toàn có khả năng tích hợp xương tốt, không gây đào thải hay kích ứng.
Thẩm mỹ. Răng implant có hình dáng và màu sắc giống răng thật, giúp phục hình nụ cười tự nhiên.
Ngăn ngừa tiêu xương hàm. Khác với cầu răng hay hàm giả, implant thay thế chân răng thật, tạo lực nhai lên xương hàm, từ đó duy trì mật độ và chiều cao xương, ngăn ngừa tình trạng tiêu xương.
Không ảnh hưởng răng kế cận. Cấy ghép implant không cần mài nhỏ răng thật, giúp bảo tồn tối đa răng lân cận và giữ vững cấu trúc hàm.
Hỗ trợ tốt trong trường hợp mất nhiều răng. Dù mất một răng, nhiều răng hay toàn hàm, implant đều có thể phục hình linh hoạt, đảm bảo cả chức năng ăn nhai lẫn thẩm mỹ lâu dài.

Cấu trúc răng implant. Ảnh: Freepik
Mức giá của trồng răng implant phụ thuộc vào thương hiệu trụ implant và địa chỉ nha khoa cấy ghép. Tham khảo bảng giá trồng răng implant trên thị trường hiện nay, giá trồng răng implant đơn lẻ dao động từ 13 - 35 triệu/răng (đã gồm chi phí trụ implant, khớp nối Abutment và mão sứ).
Để đạt kết quả phục hình răng tối ưu, quy trình cấy ghép implant tại các nha khoa uy tín thường bao gồm 6 bước, đó là tư vấn, lập kế hoạch điều trị chi tiết và báo giá chi phí dự kiến; thăm khám tổng quát và chụp phim CT 3D để đánh giá mật độ xương hàm; tiến hành đặt trụ implant vào xương hàm, mỗi trụ mất khoảng 7 - 10 phút; gắn răng giả tạm và lấy dấu hàm phục vụ chế tác mão sứ. Bệnh nhân tái khám sau 3 - 5 ngày để kiểm tra độ lành và tích hợp trụ. Sau khoảng 3 - 6 tháng, khi trụ implant tích hợp với xương hàm bác sĩ sẽ tiến hành phục hình mão sứ lên trên.

Implant có thể phục hình mất răng toàn hàm. Ảnh: Freepik
Cấy ghép Implant vẫn có thể gặp một số biến chứng nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật hoặc chăm sóc không đúng cách, như vết mổ bị vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, sưng, đau hay thậm chí viêm xương; sưng tấy, đau nhức kéo dài; implant lỏng, không tích hợp xương dễ bị đào thải; tổn thương dây thần kinh, gây tê môi, lưỡi hoặc đau kéo dài nếu trụ cấy gần dây thần kinh. Bên cạnh đó là các biến chứng như tiêu xương quanh implant do viêm hoặc lực nhai sai, làm trụ bị lộ; chảy máu kéo dài nếu người có bệnh lý nền hoặc không chăm sóc đúng cách; tổn thương răng kế cận hoặc xoang hàm nếu cấy implant sai vị trí, nhất là ở hàm trên.
Để đạt hiệu quả tối ưu, bạn nên đến cơ sở nha khoa uy tín để được kiểm tra tình trạng răng và có hướng điều chỉnh phù hợp.

Kỹ thuật cắm implant không đúng làm trụ implant bị lộ, gây mất thẩm mỹ. Ảnh: Freepik
Thế Đan