BS.CKII Nguyễn Đức Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bé có dị dạng tĩnh mạch huyết khối kích thước dưới da khoảng 10 cm, biểu hiện giống một nốt ruồi son. Khi bé đến tuổi dậy thì, sự thay đổi nội tiết tố có thể làm tăng lưu lượng máu qua đường nối tắt động - tĩnh mạch, khiến huyết khối này phát triển nhanh trong thời gian ngắn.
Bác sĩ chỉ định phẫu thuật thắt động mạch nuôi trước, sau đó bóc tách toàn bộ khối dị dạng để tránh làm vỡ. Bé xuất viện sau hai ngày, kết quả giải phẫu u lành tính.

Bác sĩ Tuấn (giữa) phẫu thuật bóc tách khối dị dạng cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Dị dạng tĩnh mạch là bất thường mạch máu bẩm sinh, xuất hiện do các tĩnh mạch (mạch máu đưa máu về tim) ở một vùng nào đó trên cơ thể không phát triển bình thường, bị giãn ra và kết nối với nhau thành một khối u nang mềm. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ, song trường hợp khối u phát triển lớn nhanh trong một tháng như bệnh nhi này ít gặp, theo bác sĩ Tuấn. Đa phần các khối u này lành tính và được hình thành từ lúc trẻ mới sinh, có thể biểu hiện lên bề mặt da hoặc không nhìn thấy rõ ngay lập tức.
Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào vị trí và kích thước của khối dị dạng. Bệnh nhi thường có một khối hoặc mảng mềm, trông như nốt ruồi, cục thịt thừa, vết bớt... có màu xanh nhạt hoặc tím dưới da. Khối dị dạng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể như lưng, cổ, tay, chân... Nếu không được điều trị khối u lan rộng gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, dẫn đến những cơn đau mạn tính, hình thành cục máu đông. Một số trường hợp khối dị dạng nằm ở gần khớp (khuỷu tay, đầu gối) gây đau, hạn chế vận động, nằm ở đường thở hoặc đường tiêu hóa khiến người bệnh khó thở, khó nuốt.
Bệnh thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật bóc tách u. Với vị trí khó tiếp cận hơn, bác sĩ chỉ định tiêm xơ để làm viêm, dính và xơ hóa lòng mạch cho khối dị dạng teo nhỏ lại. Theo đó, bác sĩ luồn catheter (ống thông tĩnh mạch) tìm mạch máu nuôi u, bơm chất đông lòng mạch và làm nhỏ lại, hạn chế chảy máu.
Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ bệnh, phụ huynh nên cho con đi khám, tuyệt đối không chọc, nặn hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên khối dị dạng mà không có chỉ định của bác sĩ.
Đình Lâm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |