Việc đời muôn màu muôn vẻ, trong khi có người trăn trở tiền hưu không đủ ăn sáng, thì cũng có rất nhiều người chạnh lòng vì không có lương hưu.
Xóm tôi có một cụ già trên 80 tuổi, gia cảnh đơn chiếc, con cháu cũng không dư giả để cho cụ có được một cuộc sống an hưởng lúc tuổi xế chiều.
Theo quy định của nhà nước, mỗi tháng, cụ được nhận 360 nghìn đồng tiền trợ cấp cho người cao tuổi. Xin nhắc lại, chỉ 360 nghìn đồng. Vậy nếu mỗi tháng có 30 ngày, mỗi ngày cụ được 12 nghìn đồng, một ngày ăn ba bữa, thì mỗi bữa chỉ 4.000 nghìn đồng mà thôi.
>> 'Khoản vay tích cực' để không phụ thuộc lương hưu
Tất nhiên là không thể phó thác hoàn toàn cuộc sống hàng ngày cho số tiền ít ỏi đó được. Để có tiền cải thiện bữa ăn, thuốc thang, cũng như chi trả tiền điện, tiền nước mỗi tháng, cụ phải nuôi gà, trồng rau đem ra chợ bán. Ông trời phù hộ người khốn khó nên tôi thấy cụ vẫn khỏe mạnh, hầu như không mắc bệnh tuổi già phải tốn nhiều tiền chạy chữa.
Thử hỏi, nếu mỗi tháng, cụ có 3 triệu đồng lương hưu thì cuộc sống phải chăng sẽ đỡ vất vả hơn phần nào?
Khi nhắc đến lương hưu, nhiều người chê thấp, sợ không đủ tiêu xài. Nhưng tuổi già không có lương hưu thì mang theo sự chạnh lòng và so bì khi thấy các bạn già khác mỗi tháng đi nhận lương hưu và khao nhau bữa ăn, chầu cà phê sáng.
Bố mẹ tôi nằm trong trường hợp tủi thân vì không có lương hưu như thế. Bố mẹ tôi không phải nông dân thuần túy. Thời bao cấp, ông bà đều làm việc cho nhà nước, nhưng cuộc sống thời ấy quá khó khăn, cộng thêm đông con nên ông bà lần lượt rời việc bàn giấy để ra ngoài buôn bán, xoay xở lo cho gia đình.
Bây giờ, các cụ cũng có của để dành, con cháu cũng góp tiền cho hàng tháng. Tôi và các anh chị em gom góp, mỗi tháng cho bố mẹ xấp xỉ 15 triệu đồng mỗi tháng, nhưng các cụ vẫn rất tủi thân vì bạn bè năm xưa ráng trụ với công việc, bây giờ tháng nào cũng nhận được lương hưu trên dưới 10 triệu đồng.
Vì sao tủi thân dù có tiền con cháu cho? Nhiều lần tôi hỏi, thì các cụ nói là tiền con cháu làm ra, dù biếu cho ông bà nhưng vẫn mang cảm giác cầm tiền của người khác. Còn lương hưu, chính là khoản ghi nhận công sức làm việc của bản thân trong hàng chục năm nên cảm giác cầm nắm và xài tiền rất khác nhau. Người già thường có xu hướng muốn con cháu cho tiền, nhưng phần đó là để dành. Họ vẫn muốn xài tiền do tự thân lao động mà có.
Quay trở lại nhiều người bày tỏ việc không hy vọng sẽ nhận được lương hưu. Vì "không biết có sống được đến lúc đó để nhận", như vậy là quá bi quan. Nếu vì sức khỏe hao mòn, sao không cố gắng ăn uống điều độ, vận động thường xuyên để duy trì và nâng cao sức khỏe?
Nếu nói "lương hưu 3 triệu không đủ xài", thì số tiền bao nhiêu mới đủ? Không lẽ tháng nào cũng đi ăn nhà hàng, đi du lịch bằng tiền lương hưu thì mới đủ chăng? Nếu suy nghĩ như vậy là đang tự đánh mất đi mục đích tốt đẹp của BHXH và lương hưu.
BHXH chứ không phải bảo hiểm nhân thọ. BHXH là việc mỗi cá nhân trích một phần công sức lao động hàng tháng để gánh vác trách nhiệm xã hội, cụ thể là người lớn tuổi, không còn khả năng lao động chuyên nghiệp. Điều đó thể hiện thế hệ trẻ không quên thế hệ già. Còn bây giờ tôi không hiểu sao đời còn dài, còn mấy chục năm mà nhiều người lại bày tỏ trăn trở không sống được với lương hưu.
Trương Phúc
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.