Trước đây tôi có đọc một quyển sách nói về tài chính khi nghỉ hưu, tác giả nêu thực trạng nghỉ hưu ở Hàn Quốc. Có một tầng lớp dân cư, là các bậc phụ huynh, vốn chỉ là lao động tay chân (không có chính sách lương hưu, hoặc lương hưu rất ít). Khi tới tuổi nghỉ hưu bị động hoàn toàn, do con cái họ cũng phải chật vật với chi phí, nhà cửa đắt đỏ, và thị trường lao động cạnh tranh khốc liệt.
Nội dung có tóm tắt lại quá trình làm việc (và thu nhập tăng dần) của một người đến tuổi trưởng thành, từ 23- 24 tuổi (sau khi tốt nghiệp) cho đến tuổi nghỉ hưu (60-65 tuổi).
Trong đó giai đoạn 23-30 là chưa cao, chỉ đủ chi tiêu và tiết kiệm chút ít. 30-35 tuổi là bắt đầu tăng. Từ 35-45 tuổi là khoảng thời gian có thu nhập tốt nhất, sau đó thu nhập đã ổn định, và đến khi nghỉ hưu thì thu nhập đi làm mất đi (trở về con số không).
Để đảm bảo chi tiêu cho người già về hưu, tác giả có một số gợi ý như sau:
- Lương hưu: Sau thời gian đóng tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì người đi làm nhận được hàng tháng một số tiền lương hưu để đáp ứng các chi phí sinh hoạt cơ bản. Nhưng do trượt giá và số tiền đóng trên lương cơ bản (thấp hơn so với số thực nhận), số tiền lương hưu chỉ đáp ứng được khoảng 30% tổng chi tiêu khi về hưu.
- Tiền lãi gửi tiết kiệm: Tiền tiết kiệm mục đích để phòng thân, tiền lãi thu được dùng cho chi phí cơ bản, chi phí y tế (khám bệnh định kỳ...), chi hiếu hỉ... khoản tiền này đáp ứng được khoảng 10-20% tổng chi tiêu khi về hưu.
- Tiền bảo hiểm nhân thọ: trong giai đoạn đi làm nên cắt tiền lương để tham gia một gói bảo hiểm nhân thọ. Sau khi đến tuổi hưu thì rút ra, dùng cho chi tiêu như du lịch, thăm thú bà con (khoảng 30% tổng chi tiêu khi về hưu).
- Tiền cho thuê từ bất động sản (nhà cho thuê), cổ tức từ cổ phiếu: dùng cho các chi phí phát sinh khác (khoảng 20% tổng chi tiêu khi về hưu). Đối với người già, tiền là quyền lực với con cháu, nên bắt buộc trong giai đoạn đi làm từ 35-65 tuổi, không nên chi tiêu hết mà nên trích tiền lương ra cho các mục đầu tư (tiết kiệm, đầu tư cổ phiếu, bất động sản, tham gia một gói bảo hiểm...
Bản thân gia đình tôi (hai đứa con đang học tiểu học, hai vợ chồng tuổi U40 đều đi làm cơ quan, đã có nhà cửa), thu nhập của chúng tôi (giả định là 10 đồng) thì cơ cấu chi tiêu như sau:
- 2 đồng trả nợ ngân hàng cho các khoản đầu tư bất động sản: Khoản này ngân hàng tự động trừ khi lương về tài khoản. Chúng tôi đánh giá đây là khoản vay "tích cực" để gia tăng tài sản cho tương lai
- 4 đồng cho các chi phí sinh hoạt gia đình, tiền học của hai con (còn nhỏ nên chi phí chưa nhiều). Chúng tôi đã thống nhất từng khoản chi phí cụ thể, ai sẽ là người trả từ lương của mình.
- 2.5 đồng để dành gửi tiết kiệm ngân hàng, dự phòng khoảng 6-9 lần thu nhập tháng của hai vợ chồng, phòng trường hợp mất việc đột ngột.
Do lãi suất tiền gửi thấp, nên sau khi trích đủ số tiền dự phòng kia, phần còn lại chúng tôi định kỳ đầu tư vào đầu tư cổ phiếu. Mục đích số tiền này để chi phí học hành của con cái trong tương lai (trong tầm 7-10 năm tới hai con vào đại học sẽ cần dùng tới), và cho chi phí khi nghỉ hưu.
- 1 đồng: chi trả hai gói bảo hiểm nhân thọ (trích đóng đầu năm), ngoài ra chi cho mua sách đọc, tham gia khóa học ngắn hạn để mở rộng tầm nhìn và hoàn thiện kỹ năng.
- 0.5 đồng: Chi phí du lịch (dã ngoại) cuối tuần, du lịch xa (một lần/năm), hoặc đi gần (2-3 chuyến/năm).
Hằng năm hai vợ chồng cũng có các chuyến du lịch do cơ quan tổ chức.
Trên đây là các chia sẻ từ gia đình của chúng tôi, hy vọng có ích cho các bạn trẻ, cùng như mong góp ý tích cực của các gia đình khác.
Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.