Một người bạn thân của tôi từng kinh doanh phân bón và thức ăn gia súc. Thế nhưng vài năm trước, khi đất lên cơn sốt, bạn quyết định chuyển toàn bộ tài sản sang bất động sản, vay mượn để "xoay vòng", mua đất với kỳ vọng bán ra nhanh, chốt lời cao. Có lúc tài sản trên giấy của bạn tôi được định giá đến 500 tỷ đồng. Nhưng rồi thị trường đảo chiều, đất không bán được, lãi vay ngân hàng chất chồng. Cuối cùng, bạn ôm nợ đến cả trăm tỷ, phải bán tháo tài sản để trả bớt nợ, tạm thời thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Tôi nhìn bạn mình đi từ giàu có đến lao đao, và không khỏi đặt câu hỏi: nếu thị trường có một cơ chế điều tiết hợp lý, như thuế trên lãi giao dịch bất động sản, liệu mọi chuyện có đến mức đó?
Người có tiền thật sự, mua đất để đầu tư dài hạn, để ở hoặc để kinh doanh chân chính, họ không lo ngại chuyện thuế. Họ có thể chờ 5 năm, 10 năm, vẫn thu được giá trị từ việc cho thuê, kinh doanh. Ngược lại, chính những người vay ngắn hạn, lướt sóng, mua đi bán lại chỉ để kiếm lời nhanh mới là tác nhân khiến thị trường biến động mạnh. Và khi bong bóng xì hơi, không chỉ họ trả giá, mà kéo theo cả nền kinh tế bị ảnh hưởng, từ ngân hàng, doanh nghiệp xây dựng, công nhân, đến những người dân thực sự có nhu cầu mua nhà.
Những cơn sốt đất qua đi luôn để lại những vùng hoang lạnh và rất nhiều người "chết đứng". Đầu cơ bất động sản làm giá nhà bị đẩy lên phi thực tế, khiến giấc mơ an cư của người lao động ngày càng xa vời. Trước đây, người có thu nhập trung bình có thể mua nhà sau 10-15 năm làm việc. Bây giờ là 25 năm, và nếu không có giải pháp gì, có thể sẽ là 40-50 năm, thậm chí là... không bao giờ.
>> 'Khó tăng giá bán để bù thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản'
Tôi từng đọc một thống kê cho thấy: thu nhập trung bình của người Việt là khoảng 2.600 USD/năm, trong khi giá nhà trung bình là 62.000 USD – tức phải mất hơn 25 năm để mua được một căn nhà. Trong khi đó, tại Singapore, thu nhập trung bình là 89.000 USD/năm, giá nhà khoảng 1,3 triệu USD, tương đương khoảng 15 năm thu nhập – dễ hơn rất nhiều, dù mật độ dân số ở Singapore gấp hàng chục lần Việt Nam.
Sự khác biệt nằm ở chỗ: họ đánh thuế cao với đầu cơ bất động sản. Tại Singapore, nếu mua rồi bán lại trong vòng vài năm, bạn có thể phải chịu thuế từ 12% đến 20%. Việc này không khiến người nghèo khó tiếp cận nhà ở hơn, mà ngược lại, làm cho thị trường ổn định, giá cả hợp lý, ít biến động theo phong trào. Khi đất không bị thổi giá vô lý, người có nhu cầu thực sự có cơ hội mua được nhà với mức giá phù hợp hơn với thu nhập.
Một số người lo rằng việc đánh thuế cao sẽ làm "chết" thị trường. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Thị trường bất động sản vẫn sẽ phát triển nếu được gắn liền với sản xuất, kinh doanh, hạ tầng – chứ không phải nhờ "sóng" và tin đồn. Đánh thuế cao không phải để triệt tiêu lợi nhuận, mà để khuyến khích đầu tư dài hạn, ngăn chặn đầu cơ ngắn hạn, lướt sóng kiểu đánh bạc.
Tôi ủng hộ việc đánh thuế trên lãi từ giao dịch bất động sản, vì tin rằng nó sẽ làm thị trường minh bạch, bền vững, và công bằng hơn. Người có nhu cầu thực sự sẽ không phải chạy đua theo giá ảo. Người muốn đầu tư nghiêm túc vẫn có cơ hội sinh lời hợp lý. Và quan trọng nhất, con cháu chúng ta sẽ không phải mất cả đời chỉ để mua được một căn nhà ở.
- Thuế bất động sản ngăn chung cư Hà Nội 'ngáo giá' 200 triệu đồng/m²
- Lỗ hổng thuế bất động sản thứ hai từ 2.300 lô đất của Hậu 'Pháo'
- Thách thức đánh thuế khi giá nhà đất tăng gấp ba sau 5 năm
- Nỗi lo thuế 20% đánh nhầm người không đầu cơ nhà đất
- 'Hạn chế đầu cơ bất động sản bằng thuế theo thời gian sở hữu'
- Anh thợ cắt tóc 'lướt sóng' chung cư - mua 3,2 tỷ, bán 3,8 tỷ