Ai sẽ thua trong cuộc đua bán căn hộ hàng trăm triệu đồng/m² ở Hà Nội? Câu trả lời chính là thế hệ sau – là tương lai của một xã hội, khi mọi thứ đều bị chi phối bởi kỳ vọng lợi nhuận. Kỳ vọng ở đây là mong muốn "bán giá cao" của dân đầu cơ nhà đất.
Có nhu cầu thật sự trên thị trường không? Có. Nhưng người thật sự cần một chỗ ở để an cư đã rời khỏi cuộc chơi vì giá quá đắt. Cuộc đua hiện giờ chỉ còn lại những kẻ có tiền nhàn rỗi hoặc đầu cơ để "lướt sóng" kiếm lời.
Vậy, đâu là giải pháp tốt nhất? Theo tôi, hãy đánh thuế thẳng vào kỳ vọng ấy bằng chính sách thuế bất động sản thứ hai trở lên. Chúng ta phải khiến kỳ vọng làm giàu từ nhà đất trở thành rủi ro: không bán được, không có tiền đóng thuế, trở thành gánh nặng, phải bán lỗ, thậm chí từ bỏ quyền sở hữu...
Hệ lụy của đầu cơ ai cũng đã thấy. Người có tiền đầu cơ không ai dại dùng tiền túi để mua nhà đất. Họ mượn tiền ngân hàng, dùng đòn bẩy tài chính để "chơi cuộc chơi bất động sản". Trong khi đó, người lao động thực sự, những người cần nhà để ở, lại phải chật vật vay ngân hàng, gồng gánh cả đời để trả nợ.
Kẻ đầu cơ dùng tiền vay, chờ bất động sản lên giá, rồi bán xoay vòng kiếm lời. Trong khi đó, rủi ro chỉ có người mua nhà gánh. Tại sao những người đầu cơ nhà đất lại không phải trả giá gì cho trò chơi đầy lợi nhuận của họ?
>> Lỗ hổng thuế bất động sản thứ hai từ 2.300 lô đất của Hậu 'Pháo'
Theo tôi, cần một chính sách thuế thật nghiêm khắc để ổn định lại thị trường bất động sản đang có nhiều bất công. Người đầu cơ nhà đất phải bị đánh thuế lũy tiến theo thời gian sở hữu và giá trị tài sản. Ai giữ nhà càng lâu mà không sử dụng, không cho thuê hợp lý, hoặc không bán được, thì thuế càng cao. Điều đó buộc họ phải đưa tài sản ra thị trường hoặc chịu lỗ, thay vì tích trữ vô tội vạ như hiện nay.
Mỗi người chỉ cần một mái nhà chứ không phải một kho tích sản. Việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên là điều nên làm. Nếu đã sở hữu từ căn nhà thứ hai trở đi mà không thể khai thác hiệu quả (cho thuê, bán...), thì hãy chuyển nhượng cho người khác có nhu cầu thật sự. Nhà không phải để trữ tiền, không phải công cụ chờ "ăn chênh lệch", mà là chốn để con người trở về.
Tại sao người lao động phải đóng thuế thu nhập hàng tháng, còn người đầu cơ kiếm hàng trăm triệu từ mỗi căn nhà bán ra lại chỉ đóng một khoản thuế giao dịch duy nhất? Đó là sự bất công mà xã hội đang phải trả giá.
Chúng ta đang tự phá hủy tương lai bằng cái nhìn ngắn hạn. Chạy theo lợi nhuận trước mắt, chúng ta đang hy sinh sự phát triển dài hạn của quốc gia. Kinh tế mất cân đối, xã hội lệch hướng, dòng vốn đổ vào đất thay vì vào công nghệ, dịch vụ, sáng tạo. Và rồi, một thế hệ mới sẽ lớn lên trong cảnh không nhà, không cơ hội sở hữu tài sản tối thiểu để bắt đầu một cuộc sống ổn định.
Muốn chấm dứt tình trạng này, phải đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên, phải buộc dân đầu cơ trả giá.
Theo ghi nhận của VnExpress, từ cuối năm ngoái đến nay, rổ hàng chung cư mới tại Hà Nội tiếp tục leo thang, thiết lập những mốc giá mới cho nhiều khu vực, kể cả vùng ven. Một số dự án mới đang trong giai đoạn booking giữ chỗ ở Long Biên hay Bắc Từ Liêm cũ cũng được môi giới quảng cáo giá hơn trăm triệu đồng một m2. Thậm chí, một số căn hộ ở phường Cầu Giấy còn chào sân với giá dự kiến 180-200 triệu đồng một m2.
Trái ngược đà leo thang chung cư mới, thị trường chung cư thứ cấp (chuyển nhượng) đã giảm tốc nhiều tháng qua. Theo kết quả khảo sát hơn 400 dự án ở Thủ đô, 47% trong số này có giá chuyển nhượng trong quý I giảm so với cuối năm ngoái. Biên độ giảm tùy từng nơi, song mức trung bình khoảng 1%.
- Tôi chết lặng vì căn nhà muốn mua tăng giá từ 4,5 tỷ lên 5 tỷ đồng
- Chủ đất ngồi trên đống lửa dù giá tăng từ 5 tỷ lên 10 tỷ đồng
- Thách thức đánh thuế khi giá nhà đất tăng gấp ba sau 5 năm
- Mua nhà 6 tỷ, bán 7,5 tỷ nhưng bốn năm không ai 'chốt đơn'
- Trái đắng 50 tuổi 'ôm đất' 10 tỷ lướt sóng
- 'Đừng tin lời cò: giá nhà đất chỉ tăng, không giảm'