ThS.BS.CKI Dương Thị Cẩm Tuyên, Đơn vị Thần kinh, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết thông tin trên, thêm rằng thông thường sau 22h, cơ thể sẽ chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi. Lúc này, hệ thần kinh giao cảm giảm hoạt động, tuần hoàn máu chậm lại, thân nhiệt bắt đầu hạ. Nếu tắm vào thời điểm này, nhất là tắm bằng nước lạnh, khi cơ thể mệt mỏi sau vận động, ăn no hoặc uống rượu bia, dễ gây co mạch đột ngột, làm thay đổi huyết áp, ảnh hưởng tim mạch, ức chế miễn dịch và tăng nguy cơ đột quỵ. Thói quen này cũng có thể làm khởi phát rối loạn tiền đình hoặc điếc đột ngột.
Mỗi ngày hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận nhiều trường hợp đột quỵ hoặc rối loạn tuần hoàn xảy ra sau khi tắm muộn, trái với nhịp sinh lý của cơ thể. Đơn cử chị Liên, từng choáng váng, say xẩm nhẹ sau khi tắm khuya cách đây hai tuần, triệu chứng nhanh khỏi nên không để ý. Gần đây, chị tắm khi đi tập về khoảng 22h30, bất ngờ ngã quỵ, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu. Kết quả chụp CT 1975 lát cắt khẩn cấp cho thấy chị bị đột quỵ do co mạnh đột ngột, tắc nghẽn máu não, được can thiệp kịp thời. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, cần dùng thuốc theo chỉ định để phòng ngừa đột quỵ tái phát.

Bác sĩ tư vấn cách phòng ngừa đột quỵ cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Đột quỵ xảy ra khi có tổn thương não cấp tính do tắc hoặc vỡ mạch máu, có thể gây tử vong, để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bác sĩ Tuyên khuyến cáo người tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch cần hạn chế tắm khuya. Thời điểm tắm lý tưởng trong ngày là từ 6h đến 9h. Đây là lúc cơ thể hoạt động thường xuyên, tuần hoàn máu được kích thích, góp phần tăng trao đổi chất, cải thiện mức độ tỉnh táo. Thời gian 17h-19h cũng phù hợp để tắm nhằm thư giãn cơ thể và điều hòa nhịp sinh học sau một ngày vận động.
Nếu phải tắm sau 21h, bác sĩ Tuyên lưu ý nên sử dụng nước ấm trong khoảng 36-39 độ C, thời gian tắm không kéo dài quá 10-15 phút. Trước khi tắm, có thể uống một ly nước ấm nhỏ và xoa bóp tay chân để hỗ trợ tuần hoàn. Khi làm ướt cơ thể, nên bắt đầu từ chân, tiếp theo là tay, thân, cổ rồi đến đầu, nhằm giúp cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ nước. Sau khi tắm, cần lau khô người, mặc đồ ấm và mang tất nếu thời tiết lạnh hoặc có máy lạnh trong phòng. Tránh tắm ngay sau khi ăn no, sau khi uống rượu bia, sau vận động gắng sức hoặc khi cơ thể đang mệt mỏi, hạ đường huyết.

Chụp CT não giúp phát hiện sớm các bất thường mạch máu, hỗ trợ chẩn đoán nguy cơ đột quỵ từ sớm. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ khuyến cáo người có bệnh lý nền như bệnh tim, rối loạn tuần hoàn não, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc từng có tiền sử đột quỵ cần tránh tắm đêm. Nếu cần thiết, nên tắm trong tư thế ngồi, tránh tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, có người thân hỗ trợ và theo dõi sát tình trạng sức khỏe trong quá trình tắm để kịp thời xử lý nếu có dấu hiệu bất thường.
Để phòng ngừa đột quỵ, ngoài điều chỉnh thói quen sinh hoạt, mỗi người nên khám sức khỏe định kỳ và tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ. Kiểm tra huyết áp, mỡ máu, đường huyết, tuần hoàn não và tim mạch, kết hợp các phương pháp chẩn đoán hiện đại như chụp MRI, CT não bằng các thế hệ máy mới như MRI 3 Tesla, CT 768 lát cắt, CT 1975 hay 100.000 lát cắt, giúp phát hiện sớm các bất thường ở mạch máu não, từ đó điều trị hoặc dự phòng phù hợp.
Phương Phạm
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |