Ba năm trước chị Dương bị đứt dây chằng đầu gối trái, phải mổ để nối lại. Ba tháng sau, chị ngã vỡ xương mác ở mắt cá chân trái, phẫu thuật lần nữa. Hai chấn thương liên tiếp khiến chị không thể tiếp tục chơi bóng rổ. Ít vận động, lại phải bổ sung nhiều dưỡng chất tẩm bổ để mau hồi phục, căng thẳng cũng như thói quen ăn uống thay đổi khiến chị tăng 28 kg trong hai năm.
Ngày 14/5, tiến sĩ, bác sĩ Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết Dương nặng 86 kg, cao 1,67 m, chỉ số BMI 30.9 (kg/m2), béo phì độ hai. Chỉ số mỡ nội tạng ở mức rất cao, 174 cm2, lượng mỡ chiếm 40,8% trọng lượng cơ thể. Tình trạng mỡ nội tạng cao trên 100 cm2 có thể khiến người bệnh có nguy cơ cao tăng huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, đột quỵ. Không những thế, tăng cân nhanh khiến cơ thể không đủ thời gian để xây dựng cơ, gây áp lực lớn cho hệ xương khớp. Thiếu vitamin D cũng thường xuất hiện khi cơ thể tăng cân nhanh ảnh hưởng đến xương khớp và cơ bắp.

Chuyên viên dinh dưỡng tư vấn về chế độ ăn hợp lý cho chị Dương. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Người bệnh được chỉ định dùng thuốc kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống theo phác đồ. Riêng về vận động, chị được chuyên viên vận động tư vấn các bài tập phù hợp với tình trạng chấn thương dây chằng và mắt cá chân như đạp xe nhẹ nhàng, đi bộ đường bằng...; tránh leo dốc thẳng, cao, chạy, nhảy.
Hai tuần đầu tập luyện, chị nhanh mệt, hụt hơi, song không giảm được cân cộng thêm áp lực công việc, nên hơi nản chí, lơ là tập luyện. Nhờ có mẹ và chị gái động viên, cùng đạp xe và đi bộ mỗi buổi chiều tối, chị mới quyết tâm điều trị. Sau một tháng, chị giảm được 4 kg, tiếp tục duy trì luyện tập để giảm 10-15 kg sau ba tháng.

Chuyên viên y học vận động hướng dẫn các bài tập cho chị Dương. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Hoàng cho biết nhiều người trẻ dưới 40 tuổi béo phì chủ yếu do ngồi nhiều, áp lực, thiếu ngủ, không có thời gian vận động. Không duy trì bữa ăn đúng giờ, thường ăn khuya hoặc ăn vặt thường xuyên dẫn đến lượng calo nạp vào cơ thể cao hơn nhu cầu, từ đó tăng khả năng tích trữ mỡ.
Để kiểm soát cân nặng và phòng bệnh béo phì, người trẻ nên kết hợp đứng khi làm việc thay vì ngồi quá lâu, nếu công việc yêu cầu ngồi lâu cố gắng di chuyển 15-20 phút, vận động nhẹ các bài tập giãn cơ, đi bộ xung quanh phòng. Tránh áp lực, ăn uống khoa học như ưu tiên rau, củ, protein nạc, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, không ăn uống theo cảm xúc.
Đức Hạnh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |