Nguy cơ mất nước cao khi nắng nóng dễ làm suy giảm miễn dịch. Không khí khô do nhiệt độ cao cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, làm tăng khả năng mắc các bệnh tai mũi họng.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Hương, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, khuyến nghị một số cách sau góp phần phòng bệnh tai mũi họng mùa nắng.
Không lạm dụng máy lạnh: Sử dụng máy lạnh liên tục ở nhiệt độ thấp (15-17 độ C) và không vệ sinh thường xuyên, khiến niêm mạc mũi họng khô, dễ mắc các bệnh như viêm họng, chảy máu cam, viêm mũi xoang.
Không sử dụng máy lạnh quá nhiều trong ngày, nên xen kẽ sử dụng quạt và máy lạnh, không để nhiệt độ quá thấp, nên bật khoảng 26-27 độ C. Gia đình nên đặt một chậu nước nhỏ hoặc dùng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm cho không khí.
Bạn cũng có thể đắp một chiếc chăn mỏng khi ngủ, không thay đổi nhiệt độ máy lạnh đột ngột, không vào phòng máy lạnh ngay sau khi đi ngoài trời nắng về. Vệ sinh máy lạnh thường xuyên (2-3 lần mỗi năm) để loại bỏ virus, vi khuẩn.
Uống đủ nước: Nhiệt độ môi trường tăng cao khiến cơ thể tiết nhiều mồ hôi dễ mất nước, mất điện giải, niêm mạc mũi họng khô gây các bệnh tai mũi họng mùa nắng. Người lớn nên uống ít nhất hai lít nước mỗi ngày, tăng thêm lượng nước nếu hoạt động nhiều ngoài trời. Trẻ em trên 10 kg nên uống ít nhất một lít nước mỗi ngày.
Hạn chế uống nước đá, ăn đồ cay nóng: Nước quá lạnh, đồ cay nóng làm lớp nhầy bảo vệ niêm mạc cổ họng bị khô, đau rát, tạo cơ hội cho vi khuẩn, virus xâm nhập gây viêm họng. Nên hạn chế thói quen xấu này, nhất là vào ngày nắng.
Hạn chế chất kích thích: Hút thuốc lá, uống rượu bia giải nhiệt khi trời nắng nóng khiến niêm mạc mũi họng khô rát, suy giảm chức năng miễn dịch. Để phòng ngừa các bệnh mũi họng khi trời nắng nóng, cần hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia.
Tăng cường sức đề kháng: Nắng nóng cũng giúp cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Sức đề kháng cùng hệ miễn dịch tốt để phản ứng nhạy bén với các tác nhân gây bệnh, nhờ đó cơ thể không mắc bệnh.
Để tăng cường sức đề kháng, nên vận động thể chất khoảng 30 phút mỗi ngày bằng các bài tập như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội, tập gym, yoga. Bổ sung trái cây, rau, củ quả...trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà: Biện pháp này có thể tránh vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể thông qua khói bụi từ xe cộ, khí thải.
Vệ sinh mũi họng hằng ngày: Dùng nước muối sinh lý giúp làm sạch vùng mũi họng, hạn chế mắc các bệnh viêm họng, viêm đường hô hấp.
Bảo vệ tai khi đi bơi: Nhiều người đi bơi giải nhiệt khi trời nắng nóng nhưng không bảo vệ tai đúng cách gây viêm tai, để lâu có thể gây viêm tai giữa, biến chứng thủng màng nhĩ. Nếu đi bơi để giải nhiệt khi trời nắng nóng, cần đeo nút tai, giữ tai sạch và khô sau khi bơi, vệ sinh ráy tai đúng cách.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |