Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Morbili họ Paramyxoviridae gây ra, có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn. BS.CKI Phan Nhất Vy, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết sởi có xu hướng nặng và nguy cơ biến chứng cao hơn ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ chưa được tiêm đủ vaccine phòng ngừa. Sởi có thể xuất hiện quanh năm nhưng phổ biến vào mùa đông xuân.
Các triệu chứng của bệnh gồm viêm long đường hô hấp (đau họng, ho, chảy nước mũi), sốt, viêm kết mạc, biếng ăn. Trẻ cũng sốt cao và phát ban đỏ ở khắp cơ thể. Khi sởi đã lan rộng toàn thân, trẻ dần hạ sốt, ban đỏ chuyển dần sang màu xám, bong vảy và biến mất. Trường hợp trẻ vẫn còn sốt cao sau khi phát ban toàn thân có thể xảy ra biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh quản, loét giác mạc, viêm não... Để phòng bệnh tốt nhất cho trẻ, phụ huynh lưu ý một số biện pháp dưới đây.
Tiêm vaccine đúng lịch và đầy đủ là biện pháp phòng ngừa sởi hiệu quả nhất, theo bác sĩ Vy. Vaccine sởi thường được tiêm cho trẻ đầu tiên lúc 9 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Tùy vào độ tuổi và nhu cầu, phụ huynh có thể lựa chọn cho trẻ tiêm vaccine phòng sởi đơn hoặc vaccine phối hợp phòng ba bệnh sởi - quai bị - rubella theo tư vấn của bác sĩ.
![BS.CKI Phan Nhất Vy khám cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: Hữu Dung](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/12/image001-1739327428-1576-1739327494.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=419rYLN-kunQxaWFJEW7-Q)
BS.CKI Phan Nhất Vy khám cho bệnh nhi. Ảnh minh họa: Hữu Dung
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Virus sởi có thể tồn tại khoảng hai giờ ở môi trường bên ngoài. Như vậy, nếu trẻ tiếp xúc với các bề mặt chứa virus rồi đưa tay lên mắt mũi miệng sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Để phòng ngừa, phụ huynh nên chủ động cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông đúc, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hắt hơi hay xì mũi.
Thường xuyên vệ sinh các vật dụng trong gia đình, tạo không gian thông thoáng, sạch giúp loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh. Các vật dụng cá nhân như chăn gối, ga trải giường... cần được giặt thường xuyên trong tuần.
Phụ huynh chú trọng tăng cường dinh dưỡng và sức đề kháng cho trẻ. Chế độ dinh dưỡng cần đa dạng, đủ 4 nhóm chất thiết yếu gồm chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin và khoáng chất. Uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Bé nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, khoai lang, rau xanh, uống đủ nước; hạn chế đồ chiên rán, đồ đóng hộp, nước ngọt.
Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ bệnh sởi như sốt cao, phát ban, ho, chảy nước mũi, đỏ mắt..., phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu trẻ mắc sởi giai đoạn nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ theo dõi tại nhà. Phụ huynh cho trẻ cách ly với các thành viên trong gia đình ngay từ khi nghi ngờ mắc sởi cho đến ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Tránh cho trẻ bị sởi tiếp xúc hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân với trẻ khỏe mạnh. Nếu trẻ trong độ tuổi đến trường mắc bệnh, phụ huynh nên thông báo cho giáo viên phụ trách và cho trẻ học tại nhà đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Phụ huynh nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi chăm sóc trẻ tại nhà, dùng thuốc đúng chỉ định, tăng cường dinh dưỡng, thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh. Khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, khó thở, đau mắt, mắt đỏ, nhạy cảm khi gặp ánh sáng, lừ đừ, hôn mê..., cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
Hoài Thương
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |