Ngày 18/2, TS.BS Phạm Thị Lệ Quyên, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đợt cấp COPD là tình trạng các triệu chứng hô hấp từ giai đoạn ổn định tiến triển trở nặng. Người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp dẫn đến thiếu oxy trầm trọng, ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, tổn thương não, tử vong.
Ông Minh được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để thở oxy hỗ trợ, dùng thuốc giãn phế quản, thuốc kháng viêm, kháng sinh (khi có nhiễm trùng)..., đồng thời kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết. Sau 4 ngày điều trị tích cực, ông qua cơn nguy kịch.

Kết quả chụp X-quang ngực của ông Minh cho thấy hình ảnh dày tổ chức kẽ lan tỏa, các đám mờ phế nang nửa dưới phổi phải. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Quyên cho biết ông Minh là một trong những trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đột ngột trở nặng khi thời tiết giao mùa ở miền Bắc. Ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm, mắc nhiều bệnh nền như bệnh mạch vành (đã đặt stent), tăng huyết áp, đái tháo đường type 2. Các bệnh này làm tăng nguy cơ biến chứng, khiến điều trị COPD khó khăn hơn. Cụ thể, tăng huyết áp, bệnh mạch vành khi có đợt cấp COPD gây suy hô hấp, thiếu oxy làm tăng gánh nặng cho tim, dễ dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim... Đái tháo đường làm giảm khả năng chống nhiễm khuẩn, người bệnh dễ bị bội nhiễm viêm phổi...
Dấu hiệu rõ ràng của một đợt cấp COPD sắp xảy ra là khó thở. Người bệnh cảm thấy bị bóp nghẹn lồng ngực, lượng không khí tiếp nhận không đủ, ngay cả khi hoạt động thể chất nhẹ hoặc đang nghỉ ngơi.
Từ giữa tháng 1 đến nay, các bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh điều trị cho nhiều người bệnh COPD trở nặng, đa phần là người lớn tuổi, có kèm bệnh nền. "Thời tiết miền Bắc lạnh, nồm ẩm tạo điều kiện các bệnh hô hấp bùng phát", bác sĩ Quyên giải thích. Theo đó, độ ẩm không khí tại miền Bắc thời gian qua thường xuyên ở ngưỡng 80-90% khiến virus, vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi mạnh. Trong đó thường gặp là phế cầu khuẩn, virus gây nhiễm trùng hô hấp khác như rhinovirus, adenovirus, virus cúm (Influenza virus). Thiếu ánh nắng mặt trời, không khí lưu thông kém tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh trong không khí tích tụ lại và tấn công đường thở. Nấm mốc, mùi hôi cũng dễ gây kích thích đường hô hấp. Người bệnh COPD thường lớn tuổi, hệ miễn dịch suy yếu, đường thở bị thu hẹp, nhiễm thêm cúm hoặc virus, vi khuẩn khác khiến tình trạng viêm nặng hơn.
Người bệnh COPD kèm nhiều bệnh nền phức tạp cần chủ động bảo vệ sức khỏe, hạn chế nguy cơ đột ngột trở nặng. Tránh tiếp xúc với tác nhân có thể gây kích ứng phổi như bụi, than, hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người. Uống nhiều nước để thông đường thở. Mỗi người nên tiêm phòng cúm hàng năm để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp.
Minh Đức
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |