Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gây ra bởi các cơn tắc nghẽn đường thở tiến triển nặng dần. Bệnh có biểu hiện như ho khạc đờm mạn tính, khó thở tăng dần. Tình trạng tắc nghẽn này là hậu quả của quá trình viêm tại phổi do tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, chất khói, khí độc hại. Ngoài không khí, người bệnh cũng có thể bị trầm trọng thêm các triệu chứng do thức ăn hằng ngày. Dưới đây là các loại thực phẩm có thể gây kích ứng cho bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Đồ chiên
Thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ như thức ăn nhanh có thể khiến người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính mất nhiều thời gian hơn cho việc tiêu hóa. Quá trình này dẫn đến sự phân hủy chất béo diễn ra lâu hơn trong hệ tiêu hóa và tạo nên cảm giác chướng bụng; gây khó chịu cho người bệnh. Do đó, người bệnh sẽ có cảm giác khó thở, hết hơi vì cơ hoành bị đau do dịch tiêu hóa tiết ra nhiều khí hơn.
Thực phẩm chiên rán cũng liên quan đến việc dễ tăng cân. Phần mỡ thừa này thường tích tụ ở khu vực xung quanh giữa thân, gây áp lực lên cơ hoành; gây khó chịu cho người bệnh trong quá trình thở. Một số thực phẩm nên tránh bao gồm khoai tây chiên, hành tây, gà rán, cá rán, jalapeno poppers và dưa chua rán.
Đồ uống có ga
Nước ngọt, soda, nước tăng lực thường bao gồm chất bảo quản, chất tạo ngọt và màu nhân tạo. Theo chuyên gia y tế, những hóa chất này không có chất nào tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bên cạnh đó, áp lực do khí carbon dioxide cũng góp phần ảnh hưởng đến khả năng thở của bệnh nhân.
![Việc quản lý và kiểm soát tốt các triệu chứng để bệnh nhân COPD thở dễ dàng hơn. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/11/04/medium-shot-man-coughing-2015-1667531743.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=97oAbd55mO60HLCMEIk59A)
Việc quản lý và kiểm soát tốt các triệu chứng để bệnh nhân COPD thở dễ dàng hơn. Ảnh: Freepik
Rượu bia
Theo Cleveland Clinic, uống quá nhiều rượu sẽ làm chậm nhịp thở và khiến cho việc ho ra chất nhầy trở nên khó khăn. Hơn nữa, rượu có thể tương tác với các loại thuốc của người bệnh đang dùng, đặc biệt là steroid đường uống.
Ngoài ra, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Alcohol Research cũng cho thấy uống nhiều rượu bia có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, bao gồm viêm phổi, nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) và hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).
Muối
Một chút muối iốt là điều cần thiết để duy trì sự cân bằng natri lành mạnh trong cơ thể. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều loại gia vị này lại có thể dẫn đến giữ nước trong cơ thể; gây phù nề. Đặc biệt, đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lượng nước dư thừa hoạt động giống như lớp mỡ thừa xung quanh cơ hoành, khiến bệnh nhân khó thở.
Vì vậy, chuyên gia khuyến nghị người bệnh nên giảm hàm lượng muối trong thức ăn để giảm lượng nước giữ lại và hạn chế tối đa việc gây hại cho phổi. Nếu muốn tạo hương vị cho thực phẩm, các loại thảo mộc hoặc gia vị khác như nước cốt chanh, giấm,...
Chế phẩm từ sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa như phô mai, bơ, sữa chua có thể khiến chất nhầy của người bệnh trở nên đặc hơn. Đây cũng được xem là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nguyên nhân do lượng casomorphin xảy ra trong quá trình phân hủy và tiêu hóa sữa. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ làm tăng chất nhầy được tạo ra trong ruột; dẫn đến lượng đờm tiết ra nhiều hơn và gây khó thở.
Rau cải
Các loại rau họ cải thường được tiêu thụ bao gồm súp lơ, bông cải xanh, củ cải, cải bruxen, cải ngọt, bắp cải, rau cải xanh, cải xoăn và rau arugula có thể khiến bệnh nhân COPD bị khó tiêu, đầy hơi do có thêm khí được tạo ra trong hệ thống. Tình trạng chướng bụng gây khó thở cho người bệnh. Vì lý do này, người bệnh nên hạn chế loại rau họ cải trong chế độ ăn uống của họ.
Ngoài ra, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên tránh ăn các loại trái cây gây dễ đầy hơi như đào, dưa, quả mơ, táo, cây họ đậu hoặc trái cây thuộc họ cam quýt.
Huyền My (Theo Cleveland Clinic, News Medical)