Sắt
Sắt vận chuyển oxy trong cơ thể, hỗ trợ sản xuất tế bào hồng cầu, chức năng miễn dịch, phát triển nhận thức, điều hòa nhiệt độ. Thiếu sắt có thể dẫn đến giảm sản xuất hồng cầu gây mệt mỏi, khó thở, suy giảm miễn dịch. Mất máu trong thời kỳ kinh nguyệt làm cạn kiệt kho dự trữ sắt của cơ thể. Phụ nữ có nhiều kinh nguyệt nên ăn thực phẩm cung cấp nhiều sắt.
Rau lá xanh đậm, thịt đỏ nạc, thịt gà, gà tây, cá, đậu và ngũ cốc nguyên hạt giàu sắt. Ăn những thực phẩm chứa sắt với vitamin C như khoai lang, bông cải xanh hỗ trợ cơ thể hấp thụ khoáng chất này. Phụ nữ 19-49 tuổi nên có 14,8 mg sắt mỗi ngày và trên 50 tuổi là khoảng 8,7 mg. Phụ nữ vẫn có kinh nguyệt sau 50 tuổi có thể cần lượng sắt tương đương người 19-49 tuổi.
Kẽm
Kẽm có thể ngăn tình trạng viêm, đồng thời phát triển tế bào T - một phần của hệ thống miễn dịch, chống lại virus. Kẽm hỗ trợ đông máu, nhận thức vị giác, giữ lượng đường trong máu ổn định. Khoáng chất này quan trọng trong việc lành thương, duy trì quá trình tiêu hóa, trao đổi chất khỏe mạnh. Thực phẩm giàu khoáng chất kẽm như hàu, các loại đậu và hạt.
Omega-3
Omega-3 hỗ trợ hoạt động bình thường của não; giảm huyết áp cao, tình trạng viêm và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, ung thư, viêm khớp. Người ăn nhiều cá có hàm lượng axit béo omega-3 cao ít bị thoái hóa điểm vàng.
Vitamin C
Loại vitamin này thúc đẩy sự phát triển, phục hồi các mô, xương, răng của cơ thể. Chúng hoạt động như chất chống oxy hóa để ngăn chặn một số tổn thương do các gốc tự do gây ra.
Dấu hiệu thiếu vitamin C bao gồm tóc khô, chẻ ngọn, viêm nướu, da có vảy, dễ bị bầm tím, chảy máu cam, khả năng chống nhiễm trùng giảm. Vitamin C cũng thường được dùng làm thành phần trong sản phẩm chăm sóc da vì hỗ trợ cơ thể sản xuất collagen - một loại protein để tạo nên da, sụn, gân, dây chằng, mạch máu. Quả họ cam quýt, ớt đỏ và bông cải xanh đều có vitamin này. Người lớn 19-64 tuổi cần 40 mg vitamin C mỗi ngày.
Ngoài chế độ ăn khoa học, giấc ngủ quan trọng với sức khỏe phái đẹp. Melatonin thúc đẩy điều chỉnh các hormone khác, duy trì nhịp sinh học của cơ thể, quyết định thời điểm đi ngủ và thức dậy, giải phóng hormone sinh sản ở nữ giới. Nếu nồng độ melatonin thấp gây khó ngủ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ăn rau bina, trứng... góp phần tăng sản xuất melatonin cho cơ thể.
Lê Nguyễn (Theo Womenshealthmag)
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |