Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ghi nhận 10 ca mắc thủy đậu nặng điều trị và hàng chục bệnh nhân khám ngoại trú từ sau Tết Nguyên đán. Số nhập viện tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước, có dấu hiệu tăng nhanh trong một tháng trở lại đây.
Đa số bệnh nhân chưa tiêm phòng, hoặc áp dụng các mẹo chữa bệnh dân gian như kiêng nước, kiêng gió, chọc vỡ mụn mủ, đắp thuốc lá, thảo dược; tự mua thuốc kháng virus, kháng sinh về uống... "Chăm sóc điều trị không đúng cách sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng và nhập viện", BSNT Đàm Thị Thanh Tâm, khoa Nội tổng hợp nói, thêm rằng sau khi lành, các tổn thương cũng dễ để lại sẹo như sẹo lồi, sẹo lõm trên khắp cơ thể, đặc biệt ở vùng mặt, khiến người bệnh mặc cảm, tự ti.
Điển hình là bệnh nhân Huy (34 tuổi, Long Biên), đầu tháng 3 nhập Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội điều trị trong tình trạng sốt cao, vùng da có các nốt mụn nước bị dập vỡ lan rộng. Thời gian đầu, bệnh nhân sốt cao 39-40 độ và nổi mụn nhưng không tắm rửa, kiêng gió, kiêng nước và tự mua thuốc kháng sinh, kháng virus để uống. Sau 4 ngày, bệnh biến chứng, các mụn nước hóa mủ đục nhanh kèm đau rát, ngứa, mệt mỏi, khó ăn uống. Mụn xuất hiện ở cả vòm họng, chân tóc, đồng thời cơ thể xuất hiện nhiều cơn ớn lạnh.
Bác sĩ Tâm, khoa Nội tổng hợp, cho biết bệnh nhân bị biến chứng bội nhiễm da. Anh được điều trị hạ sốt, kháng virus, kháng sinh đường tĩnh mạch và chăm sóc, vệ sinh da, mũi họng, kết hợp nâng cao thể trạng. Sau 4 ngày, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, giảm tổn thương da, hết sốt, hiện tiếp tục theo dõi tại viện.
![BSNT Đàm Thị Thanh Tâm khám cho bệnh nhân Huy ngày 11/3. Ảnh: Thanh Ba](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/03/13/thuy-dau-bien-chung-nhap-vien-4976-1710314975.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IA07fVSj2JQmrRxy7w9k7A)
BSNT Đàm Thị Thanh Tâm khám cho bệnh nhân Huy ngày 11/3. Ảnh: Thanh Ba
Còn chị Nguyễn Hà (32 tuổi, Cầu Giấy), biến chứng bội nhiễm da và thủy đậu. Khi các nốt mụn mọc dần rồi dày đặc ở vùng, đầu, mặt, trán, chứa mủ trắng, chị rất khó chịu, ngứa ngáy. Hà lên mạng tìm hiểu thông tin, được "bác sĩ online" mách phải nặn hết chân mủ, kết hợp bôi gel và uống kháng sinh, nếu không sẽ để lại sẹo xấu, sâu. "Tôi làm theo, nhưng các nốt mụn vỡ ra và lan rộng hơn, đến bệnh viện khám bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng, yêu cầu để mụn tự lành kết hợp điều trị kháng sinh và một số thuốc khác", chị Hà nói.
Thủy đậu là bệnh lây lan theo mùa, xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Hiện nay thời tiết mùa đông - xuân, liên tục chuyển từ lạnh sang nóng và ngược lại, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho virus thủy đậu lây lan mạnh. Nhiều địa phương ghi nhận hàng chục ca thủy đậu trong hai tháng đầu năm.
TP Hà Nội ghi nhận gần 150 ca thủy đậu từ đầu năm đến nay, riêng tuần từ 23/2 đến 1/3 thêm 27 ca. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đánh giá có thể tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc, chùm ca bệnh mới trong thời gian tới, do thời tiết đông - xuân thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm, trong đó có thủy đậu.
Hải Dương hai tháng đầu năm ghi nhận 68 ca thủy đậu, trong đó hơn 50 ca là học sinh ở trường tiểu học thuộc hai xã Phạm Trấn (Gia Lộc) và Thanh Lang (Thanh Hà). Đắk Lắk có 81 ca thủy đậu tính đến tháng 2, tăng gần 45% so với cùng kỳ 2023. Ba ổ dịch được ghi nhận trên địa bàn, với tổng cộng 70 ca, là ba trường mầm non tại TP Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar, huyện Buôn Đôn. Còn Đắk Nông trong tháng 1 có 5 ổ dịch thủy đậu với 34 ca.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, nhận định số ca thủy đậu đang tăng do bệnh thường xuất hiện từ đầu năm đến khoảng tháng 6. Mặt khác tỷ lệ tiêm chủng chung đang giảm, điều kiện thời tiết thuận lợi cho mầm bệnh gia tăng. Bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân chú ý phòng, chống và điều trị đúng khi mắc thủy đậu.
Thủy đậu đa số diễn biến lành tính. Các nốt mụn nước thường tạo cảm giác rát, ngứa nhiều trong những ngày đầu, sau dần khô lại, tạo vảy và bong ra, để lại vết thâm và thường tự khỏi sau 3-6 tháng tùy vào cơ địa. Tuy nhiên, thủy đậu có thể gây biến chứng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Các biến chứng thủy đậu có thể gặp là bội nhiễm da, viêm phổi, viêm gan nặng, viêm não, nhiễm khuẩn huyết, viêm thận... Ngoài ra, virus thủy đậu vẫn ở lại trong hạch thần kinh dẫn đến biến chứng zona thần kinh gây đau đớn và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
![Trẻ em tiêm vaccine thủy đậu phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Mộc Miên](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/03/13/tiem-chung-vac-xin-thuy-dau-ta-7789-9942-1710314975.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RisD9V6FE72ykwa9QC05PQ)
Trẻ em tiêm vaccine thủy đậu phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Mộc Miên
Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm nhẹ bằng nước ấm với dung dịch dịu nhẹ và mặc quần áo rộng, thấm hút mồ hôi khi mắc thủy đậu. Mọi người tránh gãi ngứa, chà xát hoặc làm vỡ các nốt mụn nước để tránh nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Việc chăm sóc vệ sinh da đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng nặng, giảm dùng kháng sinh mạnh dài ngày, tránh để lại các vết sẹo ảnh hưởng thẩm mỹ sau này.
Khi phát hiện mắc thủy đậu, người bệnh cần cách ly, khám tại các cơ sở y tế uy tín, điều trị đúng phác đồ, chăm sóc vệ sinh da đúng cách. Nếu được điều trị đúng, hầu hết người bệnh hồi phục trong khoảng 2 tuần.
Những người chưa mắc bệnh và nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, phụ nữ chuẩn bị mang thai, người già, người có bệnh lý nền nên tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu. Tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ mắc, biến chứng và trở nặng.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vaccine phòng thủy đậu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Theo các nghiên cứu, hai mũi vaccine phòng 88-98% nguy cơ mắc bệnh. Người đã tiêm vaccine mắc bệnh thường nhẹ và ít gặp biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ nên tiêm chủng trước khi mang bầu tốt nhất 3 tháng để phòng bệnh và truyền kháng thể bảo vệ con.
Ngoài ra, mọi người chú ý phòng bệnh bằng các biện pháp vệ sinh khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên lau khử khuẩn, vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Thanh Ba
*Tên bệnh nhân được thay đổi.