Co giật là tình trạng hoạt động bất thường của não bộ. Nguyên do mối liên lạc giữa các tế bào thần kinh bị gián đoạn. Có nhiều loại co giật và nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm: động kinh, nhiễm trùng não, lượng đường trong máu thấp. Một số người bị co giật từ bé, số khác xuất hiện co giật lần đầu tiên khi trưởng thành, được gọi là động kinh khởi phát ở người lớn.
Nguyên nhân gây ra co giật ở người lớn
Khác với những người có biểu hiện co giật từ nhỏ, phần lớn do chứng động kinh vô căn, khởi phát co giật ở người lớn thường có nguyên nhân cụ thể.
Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc virus gây ra nhiễm trùng. Mô não bị tổn thương kích ứng miễn dịch, gây viêm dẫn đến những thay đổi bất thường trong hoạt động của não bộ. Các bệnh lý gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương như lao thần kinh trung ương, u xơ thần kinh, viêm màng não, áp xe não, sốt rét ác tính thể não...
U não: các cơn co giật khởi phát ở người lớn thường là dấu hiệu cảnh báo của u não. Nếu các cơn co giật nặng hơn, xuất hiện nhiều lần có thể khối u đã phát triển, gây chảy máu hoặc sưng tấy. Các loại khối u khác nhau gây ra co giật theo những cách khác nhau, thường là do áp lực hoặc chảy máu trong não.
Các bệnh lý liên quan đến u não có thể gây ra cơn động kinh như: u thần kinh, u tế bào hình sao, u hạch, u nguyên bào thần kinh đệm, u màng não...
Chấn thương sọ não: cũng có thể là nguyên nhân gây ra cơn động kinh lần đầu. Bệnh nhân có thể xảy ra tình trạng co giật ngay lập tức hoặc trong vài giờ, vài ngày, thậm chí là vài tuần sau khi bị chấn thương. Theo Viện y tế Quốc gia Mỹ năm 2016, khoảng 50% các trường hợp chấn thương sọ não xuất hiện co giật trong vòng 24 giờ đầu tiên.
Chấn thương càng nặng, nguy cơ co giật càng cao. Ngoài ra còn có các yếu tố khác làm tăng nguy cơ co giật như: trên 65 tuổi, rối loạn rượu mạn tính, chấn thương xuyên hộp sọ, não có vết bầm lan rộng, xuất huyết não...
![Co giật khiến bạn dễ té ngã. Ảnh: Freepik](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/05/04/h09-6380-1651615491.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1LItRAvR9YbMLwt3e4zKTA)
Co giật khiến bạn dễ té ngã. Ảnh: Freepik
Uống thuốc hoặc ngừng sử dụng thuốc: cơn động kinh lần đầu ở người lớn cũng có thể liên quan đến việc uống thuốc hoặc ngừng sử dụng các loại thuốc. Ngoài ra, một số chất có thể gây co giật khi tác động đến cơ chế của chất dẫn truyền thần kinh, làm thay đổi chất điện giải hoặc lưu lượng máu trong não, dẫn đến co giật.
Một số thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống co giật nếu dùng thường xuyên với liều lượng cao, đột ngột dừng lại hoặc không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ có thể gây co giật.
Ngộ độc rượu và cai nghiện: ngộ độc rượu hoặc uống rượu quá nhiều trong thời gian ngắn có thể gây ra sự thay đổi lượng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể, dẫn đến co giật. Ngoài ra, uống rượu mạnh có thể làm suy nhược thần kinh. Cai rượu lần đầu hoặc giảm uống rượu một cách đột ngột cũng có thể gây co giật.
Đột quỵ: xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ hoặc tắc nghẽn, khiến máu không thể lưu thông đến não. Khi đó các mô não bị tổn thương làm thay đổi hoạt động điện não, dẫn đến co giật. Thông thường, co giật xảy ra trong vòng 24 giờ sau đột quỵ hoặc sau vài tháng. Tai biến mạch máu não càng nặng thì khả năng gây co giật càng cao.
Các loại co giật phổ biến ở người lớn
Có nhiều tình huống co giật, động kinh xảy ra ở người lớn, được chia làm hai loại chính.
Động kinh một phần (khu trú): dấu hiệu bất thường xuất hiện ở một bên não. Lúc này, người bị co giật không hoàn toàn mất ý thức mà chỉ làm suy giảm khả năng tập trung. Tuy nhiên, khi dấu hiệu bất thường lan rộng 2 bán cầu não có thể gây mất ý thức.
Co giật toàn thân: co giật toàn bộ cơ thể, thường gây mất ý thức do ảnh hưởng đến cả hai bên của não, phổ biến nhất bao gồm:
- Co giật tổng hợp: cơn động kinh dữ dội, gây ra tình trạng căng cơ và co giật.
- Co giật hoặc căng cơ: người bệnh căng cứng cơ, thường ở lưng và tay chân, hoặc chỉ xảy ra tình trạng co giật.
- Co giật (rung cơ): hiện tượng đột ngột bị giật ở một vùng trên cơ thể hoặc các chi.
- Co giật mất trương lực: người bệnh mất kiểm soát một nhóm cơ hoặc thả đầu gục xuống khiến họ bị té ngã bất ngờ.
- Động kinh mất ý thức: người bệnh đột ngột mất ý thức với các biểu hiện như bất ngờ ngưng việc đang làm, mắt nhìn chằm chằm vào một vật nào đó. Sau khi tỉnh lại người bệnh không biết điều gì vừa xảy ra.
- Co giật cảm xúc: co giật gây ra tình trạng cười hoặc khóc không kiểm soát, thường liên quan đến u mô thừa ở não (Hamartoma).
Ngoài ra, một số trường hợp co giật không liên quan đến động kinh. Ví dụ khi bị đau nửa đầu và ngất xỉu do căng thẳng tâm lý và mất kiểm soát cảm xúc.
Cách xử trí khi lên cơn co giật
Lần đầu tiên trong đời đối diện với cơn co giật, bạn cần cố gắng giữ bình tĩnh đảm bảo an toàn và tránh bị thương. Nếu có thể, bạn hãy di chuyển ra xa đồ đạc và các đồ vật lớn sau đó nằm xuống sàn và gối đầu lên một chiếc áo khoác hoặc gối gấp. Nếu bạn đang lái xe hoặc vận hành thiết bị, hãy dừng lại và tìm một khu vực an toàn.
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn bao gồm nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, u não, đột quỵ và chấn thương não. Ngoài ra, nếu bạn đang sử dụng hoặc ngừng sử dụng các chất có tác động đến hệ thần kinh như thuốc uống, rượu cũng có thể gây ra động kinh. Nếu bạn bị co giật lần đầu tiên, hãy đến thăm khám tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Các bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Thuận Lê
(Theo Healthline)