PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ, Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cồn từ rượu, bia gây khô dây thanh âm, làm tăng độ quánh và đậm đặc của lớp dịch nhầy bảo vệ niêm mạc dây thanh, khiến giọng nói thay đổi, điển hình là bị khàn tiếng.
Đồ uống có cồn còn gây mất nước, kích ứng niêm mạc dễ khiến dây thanh sưng, xung huyết. Những tổn thương này thường khiến người bệnh có cảm giác khô rát họng, nhất là khi nói hoặc hát, dần dẫn đến rối loạn giọng.
Theo bác sĩ Kỳ, người uống nhiều rượu bia cũng có thể bị viêm và phù nề thanh quản, với triệu chứng họng đau rát, khàn tiếng. Chất cồn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, làm giảm khả năng kiểm soát hành vi. Do đó, người say thường nói lè nhè, khó kiểm soát âm lượng, giọng nói khàn, đứt quãng.
Cơ thắt thực quản dưới cũng có thể bị giãn ra do uống rượu bia, tạo điều kiện cho axit dạ dày trào ngược lên thanh quản, kích ứng dây thanh âm. Đặc biệt, nguy cơ ung thư họng, thanh quản cũng tăng lên khi uống nhiều rượu bia.
![Uống nhiều rượu dễ gây khàn giọng, mất tiếng. Ảnh: Anh Chi](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/01/25/9fe753d3-33f5-4b98-8699-3cd6a1-7795-5279-1737820015.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=bH9K8VfuO4UYMF7TMeuWZA)
Uống nhiều rượu dễ gây khàn giọng, mất tiếng. Ảnh: Anh Chi
Để bảo vệ họng, thanh quản trong dịp Tết, bác sĩ Kỳ khuyến cáo người lớn nên hạn chế uống rượu bia, không nên uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày. Một đơn vị cồn tương đương 330 ml bia hoặc 100 ml rượu vang hoặc 30 ml rượu mạnh. Không nên vừa uống rượu vừa hút thuốc lá vì làm tăng nguy cơ tổn thương thanh quản. Người mắc bệnh lý thanh quản hoặc trào ngược dạ dày không nên uống rượu bia để tránh bệnh tiến triển nặng. Người phải sử dụng giọng nói nhiều như ca sĩ, diễn viên, giáo viên nên hạn chế đồ uống có cồn.
Ngoài hạn chế rượu bia, mọi người cũng nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh các món cay nóng, nhiều dầu mỡ có thể gây trào ngược. Không nằm ngay sau khi ăn và giữ tư thế đầu cao khi ngủ để hạn chế axit trào ngược lên thanh quản. Khi có các triệu chứng như khàn tiếng kéo dài, nuốt đau, ho nhiều, người bệnh cần đến bác sĩ khám để điều trị.
Tuấn Đạt
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |