Sau khi tốt nghiệp một đại học khá có tiếng tại Hà Nội, chị họ tôi muốn về làm ở gần nhà. Nhờ gia đình có quen biết, chị được gửi gắm vào làm hợp đồng tại một cơ quan cấp tỉnh ở quê nhà. Vài năm sau, chị được thi tuyển vào công chức. Tuy đi làm đã lâu, mức lương của chị tôi vẫn rất thấp, tổng thu nhập thậm chí còn không bằng một chị bạn làm công nhân gần nhà.
Lương thấp, chị tôi muốn tích lũy để mua chiếc xe máy mới thay cho xe cũ đã ọp ẹp nhưng cũng rất khó khăn. Mua sắm gì chị cũng phải xin thêm cha mẹ. Việc mua nhà hay lập gia đình, mỗi lần được họ hàng hỏi tới, chị thường nửa đùa nửa thật, bảo rằng "chắc chờ khi nào thu nhập khá hơn mới dám nghĩ tới".
Nhưng lương không phải là vấn đề duy nhất khiến một công chức trẻ như chị tôi suy tư. Đi làm, tuy được va vấp công việc, gặp gỡ và thiết lập được mạng lưới quan hệ khá rộng trong và ngoài tỉnh, nhưng việc đánh giá kết quả thực hiện công việc hiện nay vẫn chưa thỏa đáng, xu hướng đánh giá còn cào bằng, ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, người làm nhiều cũng như làm ít, khiến chị bị giảm động lực trong công việc.
Việc phân công công công việc nhiều lúc cũng chưa hài hòa. Trong khi chị tôi xoay chóng mặt với báo cáo, kế hoạch, công văn... thì người khác lại lê la hết phòng này qua phòng khác để tám chuyện. Người tập trung chuyên môn như chị tôi, ít nhậu nhẹt, giao lưu, có khi lại không được khen thưởng nhiều như người "chịu khó" nhậu nhẹt, tiếp khách cơ quan, thậm chí, nhiều khi chị còn bị những người này phê bình vì "kém hòa đồng".
>> 'Cơn khát' tăng lương cơ sở cho giáo viên, bác sĩ
Việc đánh giá chưa chính xác, khiến việc khen thưởng, quy hoạch cán bộ khó có cơ sở để khách quan. Mà quy hoạch lại là nền tảng của việc đào tạo, rèn luyện cán bộ, công chức viên chức, làm nền tảng để phát triển nhân lực cho bộ máy hành chính. Nếu không tuyển chọn được người làm việc hiệu quả để đào tạo, phát triển, ta khó có thể xây dựng được một bộ máy tốt.
Vốn hiếu học, nên dù lương thấp, không được quy hoạch, ở tỉnh lẻ, chẳng có mấy lớp học cuối tuần hay buổi tối phù hợp, chị tôi vẫn muốn tự đào tạo chuyên môn một số ngày trong tuần, với cam kết đảm bảo hoàn thành đầy đủ lượng công việc, tự túc kinh phí. Chị chỉ xin cơ quan tạo điều kiện về thời gian, để làm tốt hơn công việc nhưng cũng khó khăn, nhiều lúc được bên tổ chức, nhân sự cơ quan trả lời rằng "do cơ quan ít người nên phải chờ". Việc chờ đợi có khi kéo dài trong nhiều năm.
Nhìn lại câu chuyện chị tôi, cũng như quan sát hiện trạng gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc trong hai năm qua (1/1/2020 – 30/6/2022), trong đó, có 653 Tiến sĩ, 4.018 Thạc sĩ và khoảng 1.200 bác sĩ, tôi không khỏi trăn trở, bởi đây là đội ngũ trí thức, có tâm, có tài. Tăng lương có lẽ là một giải pháp trước mắt, ít nhất cũng giúp ổn định tinh thần lực lượng lao động khu vực công, trong đó có những công chức, viên chức trẻ lương thấp như chị tôi.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp thiết thực để cải thiện môi trường làm việc, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức:
Thứ nhất, cần có cơ chế phân công công việc hiệu quả, minh bạch, như hệ thống thống kê công việc của từng công chức để cấp trên của cơ quan, đơn vị hoặc cơ quan chuyên trách và nhân dân có thể giám sát, việc đánh giá công chức cần dựa trên hiệu quả công việc chuyên môn. Có thể áp dụng KPI (chỉ số đánh giá thực hiện công việc), vốn là công cụ được khối doanh nghiệp sử dụng lâu nay và rất hiệu quả. Dựa trên kết quả đánh giá để tiến hành khen thưởng người làm tốt, để quy hoạch người làm tốt vào các vị trí cao hơn, tiến hành đào tạo, luân chuyển, rèn luyện họ. Tạo dựng một cơ chế khuyến khích để cán bộ, công chức nỗ lực, cố gắng phấn đấu vì cái chung.
Thứ hai, để cải thiện môi trường làm việc, cần có cơ chế để giảm tuyệt đối việc tiếp khách, nhậu nhẹt của các cơ quan, công sở, áp dụng nghiêm quy định của pháp luật. Qua đó, giúp tiết kiệm ngân sách, thời gian làm việc và năng lực của công chức. Loại bỏ những kẻ nịnh bợ, nhậu nhẹt, làm ít hưởng nhiều ra khỏi bộ máy nhà nước.
Thứ ba, về đào tạo, bồi dưỡng, cần ban hành quy định về quyền được đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như trong ba năm, cán bộ, công chức, viên chức ít nhất phải được tham gia đào tạo, bồi dưỡng (phù hợp với công việc, chuyên môn) một lần. Qua đó, tạo cơ sở để cán bộ, công chức yên tâm về việc được nâng cao năng lực, đào tạo.
Thứ tư, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan và bộ phận tham mưu đối với hiệu quả đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm của cơ quan, đơn vị, với tình trạng cán bộ, công chức không được đào tạo, bồi dưỡng hay nghỉ việc. Gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách về công tác tổ chức, thi đua khen thưởng cấp tỉnh, cấp huyện với hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, công chức, với tỷ lệ người tự đào tạo, với tỷ lệ người nghỉ việc trên địa bàn. Xem đó là tiêu chí đánh giá đối với ngành này.
Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra của các cơ quan trung ương. Qua đó, mới tạo động lực và trách nhiệm để các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện này nỗ lực, cố gắng trong việc đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy tốt hơn công tác cán bộ của mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.