Đọc bài "Nghỉ việc nhà nước 'ba phần tự tin, bốn phần liều lĩnh'", tôi vô cùng đồng cảm với tác giả Phi Thiên Vũ, vì tôi cũng đang làm việc trong đơn vị công lập, đang giữ chức Trưởng phòng và cũng trải qua những cung bậc cảm xúc trong công việc như vây. Và, tôi cũng sắp bỏ việc, nói chính xác hơn là đã gửi đơn, và chờ đến ngày nghỉ việc theo đúng quy định.
Ở cơ quan, tôi luôn được đánh giá chỉn chu, ngoài việc chuyên môn, tôi còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác, việc nào cũng được nhận xét hiệu quả, liên tục được đánh giá xuất sắc, đạt nhiều danh hiệu, bằng khen... Hơn 20 năm trải qua nhiều vị trí, mảng công việc khác nhau, có những giai đoạn tôi thăng hoa tột bậc. Mức lương tại đơn vị sự nghiệp tự chủ cũng ổn. Và tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ việc nếu không phụ trách mảng công việc hành chính suốt năm năm qua.
Tôi (và các cộng sự) luôn phải quay cuồng bởi những thủ tục, quy trình, giấy tờ tầng tầng lớp lớp; sự gì cũng tờ trình, phương án, báo cáo... Đấy là chưa kể, công việc kiêm nhiệm cũng kinh khủng không kém, tháng nào tôi cũng phải soạn thảo 5-7 văn bản: nào nghị quyết, chương trình, kế hoạch, biên bản... Đáng nói là những giấy tờ, trình tự ấy vô cùng hình thức, đôi khi chỉ xuất phát từ những quan điểm cá nhân khác nhau, có khi chỉ có tính chất để "điểm danh, chấm điểm".
>> U40 bỏ việc biên chế về làm trang trại
Xin đừng nói: "Ai bảo nhận làm rồi than?". Thực sự, tôi không muốn tự mình ôm thêm việc, nhưng nếu từ chối sẽ luôn nhận được những ý kiến như: "Chị không làm thì ai làm vì chị hiểu việc hơn họ". Bạn biết không, chốn công sở, nhiều khi "sành việc" quá cũng là cái khổ. Không làm thì không được vì cấp trên phân công, còn làm cũng không xong, trong khi có rất nhiều ý nghĩ rằng "hành chính chỉ là việc phụ, ai chẳng làm được".
Tôi và cộng sự luôn phải đứng giữa sức ép của cơ quan quản lý và đơn vị công tác. Cấp trên gồm nhiều cơ quan, mỗi nơi yêu cầu một kiểu. Nơi tôi công tác lại cứ muốn theo ý riêng. Ngay trong nội bộ, thời gian trôi đi, con người thay đổi, rất nhiều lúc tôi cảm thấy những cố gắng, nỗ lực của mình là vô nghĩa. Tôi luôn tâm niệm rằng làm việc có trách nhiệm thì phải tham mưu những điều đúng, trong khi thực tế hơi "phũ", người ta chỉ muốn nghe những điều họ thích.
Nghiệt ngã thay, điều được thích ấy tuy sai quy định pháp luật nhưng lại được một số sự tán thưởng để lấy lòng sếp. Kẻ ý kiến ngược lại, đề nghị thực hiện đúng nhằm tránh sai sót cho cơ quan, bỗng trở thành "chướng mắt", "cản địa". Tôi dần thấy mình bị giảm sự tin tưởng, kính trọng nên quyết định nghỉ việc khi còn đến gần chục năm nữa mới đến tuổi hưu, sau khi cân nhắc kỹ về tài chính gia đình, tính toán rõ phương án công việc cá nhân sau này.
Nghỉ việc tuổi 50 tuổi đối với tôi không phải là sự bồng bột theo phong trào FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) đang rộ lên ở nhiều quốc gia. Tôi muốn giải thoát chính mình khỏi những nhiêu khê của quy trình, thủ tục, giấy tờ hình thức và thoát khỏi cung cách "làm việc lấy lòng sếp". Đôi khi, nghỉ việc công sở nhà nước không phải vì lương thấp, không phải vì sợ trách nhiệm mà do áp lực công việc vô bổ và lòng tin dần cạn kiệt.
>> Quan điểm của bạn thế nào?Gửi bài tại đây. Bài viếtkhông nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.