Trả lời:
Viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi bị viêm do phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật hoặc khói... Các chất này xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, kích thích hệ miễn dịch sản xuất kháng thể IgE, giải phóng histamin, gây viêm. Triệu chứng gồm hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi, ngứa mũi, họng, mắt...
Nhang (hương) truyền thống thường làm từ vỏ cây, vỏ quả, thảo mộc, ít hóa chất, nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay, nhang thường có chất tạo mùi, chất tạo màu, chất duy trì cháy lâu. Người có cơ địa dị ứng, tiền sử viêm mũi dị ứng, viêm xoang tiếp xúc với các chất này dễ bị kích ứng. Chưa kể, khi đốt nhang, các hạt bụi mịn và nhỏ sinh ra từ quá trình cháy dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp, làm trầm trọng thêm triệu chứng viêm mũi. Một số trường hợp có thể khó thở, ho nhiều khi hít nhiều khói hương.
Để tránh triệu chứng dị ứng trầm trọng hơn khi thắp hương, bạn nên hạn chế tiếp xúc với khói nhang. Nếu phải tiếp xúc, bạn có thể đeo khẩu trang để giảm lượng khói hít vào. Chọn khẩu trang có lớp lọc tốt giúp ngăn các hạt khói nhỏ, mịn gây kích ứng mũi.
Sau khi thắp nhang xong, bạn nên rời phòng thờ, tránh nán lại lâu. Mở cửa sổ, cửa phòng thờ thông thoáng để không khí lưu thông, giảm nồng độ khói trong phòng. Bạn cũng có thể sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ khói và các chất gây dị ứng khác. Các gia đình nên dùng loại nhang to, dài, lớn để giảm lượng khói, nhang có nguồn gốc tự nhiên, mùi dễ chịu. Hạn chế loại nhang nhuộm màu quá nhiều, nhũ kim tuyến, mùi hương nồng.
Nếu lỡ hít phải khói nhang nên xịt rửa mắt, mũi bằng nước muối sinh lý ngay tức thì để hỗ trợ loại bỏ tác nhân. Rửa mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, giữ niêm mạc mũi họng luôn sạch, ẩm, giảm kích ứng gây viêm.
![Bác sĩ Phát tư vấn cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/04/Canon-3506-Edit-1-1-1-17386341-5560-8770-1738634331.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=V5RfcFrujvK4OXRV0CRLJA)
Bác sĩ Phát tư vấn cho một người bệnh. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Trường hợp viêm mũi dị ứng nặng, triệu chứng trầm trọng khi hít phải khói nhang, bạn có thể sử dụng thuốc kháng histamin theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi xuất hiện triệu chứng tức ngực, khó thở khi hít phải khói nhang do co thắt phế quản, hen suyễn nên cấp cứu để được xử lý kịp thời.
ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát
Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |