Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc ống phế quản bị viêm, phù nề, biểu hiện thường là ho có đờm. Nguyên nhân thường gặp là tiếp xúc với môi trường, nhiệt độ lạnh không phù hợp, hít phải khói hoặc chất gây kích thích phế quản. Virus cũng là tác nhân hay gặp gây viêm phế quản cấp tính.
Ở giai đoạn cấp tính, người bệnh đau nhức cơ thể, ớn lạnh, mệt mỏi, sốt nhẹ, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau họng. Sau khi các triệu chứng này hết người bệnh có thể ho, kéo dài thêm vài tuần. Lúc này, đường phế quản bắt đầu phục hồi, cải thiện rõ rệt. Ở giai đoạn mạn tính, người bệnh thường bị tức nặng ngực, ho có đờm trong suốt, đờm trắng, vàng hoặc xanh, tiếng thở khò khè.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, sử dụng kháng sinh để điều trị viêm phế quản cấp và mạn tính được chỉ định khi nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn. Song vi khuẩn gây viêm phế quản cấp tính ít gặp. Với người bệnh mạn tính, bác sĩ kê thuốc kháng sinh khi có tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn. Người bệnh chỉ uống kháng sinh theo đơn của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng.
![Điều trị viêm phế quản bằng kháng sinh khi nguyên nhân do vi khuẩn. Ảnh: Minh Đức](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/11/image001-1739258476-3148-1739258614.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3dx41JBvjE5JlFBsxRw_9A)
Điều trị viêm phế quản bằng kháng sinh khi nguyên nhân do vi khuẩn. Ảnh: Minh Đức
Trong hầu hết trường hợp, người bệnh viêm phế quản cấp tính có thể tự khỏi sau vài tuần. Một số phương pháp khác hỗ trợ cải thiện bệnh là uống nhiều nước (khoảng 8-12 cốc nước mỗi ngày) để làm loãng đờm, nghỉ ngơi nhiều, tránh tiếp xúc khói bụi, nhiệt độ lạnh... Sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc tắm nước ấm hỗ trợ làm loãng đờm. Người bệnh có thể dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt, giảm ho...
Với phác đồ điều trị viêm phế quản mạn tính, bác sĩ tập trung cải thiện triệu chứng cho người bệnh. Người bệnh dùng các loại thuốc như kháng sinh, chống viêm, kháng virus, giãn phế quản... cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh nên đi khám sớm, nhất là khi triệu chứng hơn 3 tuần, ảnh hưởng đến giấc ngủ, sốt hơn 38 độ C, chất nhầy có lẫn máu, thở khò khè hoặc khó thở. Tại bệnh viện, bác sĩ đánh giá triệu chứng, kiểm tra âm thanh tiếng thở. Một số xét nghiệm có thể được chỉ định để chẩn đoán viêm phế quản gồm xét nghiệm máu và chức năng phổi, chụp X-quang ngực, nội soi phế quản, kiểm tra nồng độ oxy trong máu bằng cảm biến gắn trên ngón chân hoặc ngón tay, kiểm tra dịch nhầy.
Bác sĩ Hưng cho biết người thường xuyên tiếp xúc khói thuốc lá, người có sức đề kháng kém do cảm lạnh hoặc mắc bệnh mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch, người già, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ... có nguy cơ cao viêm phế quản.
Minh Đức
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |