Ông Nguyễn Văn Sơn (68 tuổi, ngụ quận Tân Phú) đến khám bệnh cuối tháng 3 với thể trạng yếu, mờ mắt lâu ngày, run chân, đi đứng bất thường, đau đầu từ trước đó 2-3 tháng. Ông còn có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, suy thận mạn giai đoạn 3, bệnh gút, tăng huyết áp...
Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy, u sọ hầu dạng nang nước ở vùng trên yên của não, kích thước 3 cm, chứa gần 30 ml dịch. Bác sĩ Phan Vân Đình (khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), cho biết, khối u chèn ép vào chỗ thoát nước não thất gây đau đầu, mờ mắt, run chân. Ông Sơn mắc bệnh đã lâu, tuy nhiên vì lớn tuổi và đi kèm các triệu chứng của bệnh mạn tính nên chủ quan, chậm trễ đi khám. Khối u khiến hệ thống não thất bị giãn, gây rối loạn dáng đi, lú lẫn, lúc nhớ, lúc quên và rối loạn đi tiểu.
Người bệnh cần được mổ ngay nhưng do thể trạng quá yếu, hệ thống mạch vành kém có nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy thận giai đoạn 3 nên bác sĩ điều trị nội khoa ổn định rồi mới phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu để lâu, khối u càng lớn, làm tăng áp lực nội sọ, giãn não thất, chèn ép dây thần kinh thị giác, có thể mù mắt.
Sau khoảng một tuần điều trị nội khoa, bác sĩ đặt ống dẫn lưu để hút dịch với mục đích xả nang, làm xẹp u nang nước sọ hầu. Các bác sĩ không lấy hết nang bởi bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền nguy hiểm, cơ thể suy yếu, khối u nang tiếp xúc với nhiều cấu trúc não quan trọng vùng hạ đồi. Nếu lấy hết túi nang, người bệnh dễ tử vong. Bác sĩ hút gần 30 ml dịch não thủy, giảm áp lực nội sọ, bệnh nhân hết đau đầu và thị lực được cải thiện.
Bác sĩ Đình cho biết, giải pháp đặt ống dẫn lưu hút dịch ra ngoài nhẹ nhàng cho bệnh nhân. U sọ hầu lành tính nhưng thường tái đi tái lại. Do đó, ống dẫn lưu được "giấu" bên trong da đầu của người bệnh để hút dịch ra ngoài nếu tái phát.
![Bệnh nhân đang được bác sĩ phẫu thuật đặt ống dẫn lưu vào khối u. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2023/04/14/BS-1-8931-1681448649.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0nQKApnSjrWpQriLo883qA)
Bệnh nhân đang được bác sĩ phẫu thuật đặt ống dẫn lưu vào khối u. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh), u sọ hầu là khối u biểu mô thường phát sinh ở vùng trên yên của não, kéo dài đến vùng dưới đồi, giao thoa thị giác, dây thần kinh sọ, não thất và các mạch máu chính. U sọ hầu khá hiếm gặp, trung bình có 0,5-2 trường hợp trên một triệu ca mỗi năm. Ở trẻ em, bệnh chỉ chiếm 1-4% trong các khối u nội sọ.
Phẫu thuật chữa u sọ hầu rất khó khăn do vị trí và sự xâm nhập của u vào các cấu trúc xung quanh não. Khối u sọ hầu dính với vùng hạ đồi, các tuyến nội tiết... nên nếu bác sĩ co kéo vùng hạ đồi quá mạnh khi mổ, bệnh nhân có thể bị đái tháo nhạt, rối loạn nội tiết hoặc tử vong. Nếu mổ không khéo thì dịch sọ hầu sẽ chảy ra ngoài gây viêm màng não.
Các bác sĩ cho biết, khoảng một nửa số u sọ hầu được chẩn đoán ở người lớn. Không có sự khác biệt lớn về tỷ lệ mắc bệnh dựa trên giới tính, chủng tộc và vị trí địa lý. Loại u này có tỷ lệ tái phát khoảng 50% nhưng tỷ lệ sống sót cao. 83-96% người bệnh sống sót sau 5 năm và 65-100% sống sót sau 10 năm.
Bình An
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.