Theo đó, trẻ em trong nhóm tuổi trên, bao gồm cả trẻ vãng lai trên địa bàn, sẽ được tiêm vaccine sởi tại các trạm, trung tâm y tế hoặc điểm tiêm chủng cố định khác. Đây là nhóm chưa đủ điều kiện để tiêm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể mẹ truyền lại ở trẻ có thể giảm xuống dưới mức bảo vệ.
Việc này được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh có chiều hướng gia tăng tại Hà Nội và cả nước. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thống kê từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận gần 600 ca tại 30 quận, huyện, thị xã; riêng 2 tháng đầu năm 2025 có hơn 100 ca, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận trường hợp nào.
Bộ Y tế cũng báo cáo cả nước có khoảng 5.000 ca dương tính với virus sởi trong năm 2024, tăng gấp 100 lần so với năm 2023. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hơn 31% số trẻ mắc sởi thuộc nhóm dưới 9 tháng tuổi - tức chưa đến tuổi tiêm vaccine; trong khi ở trẻ trên 9 tháng tuổi, 40% chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.
Tỷ lệ tiêm chủng thấp được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng ca mắc. Hiện con số này chỉ đạt khoảng 80% hoặc thấp hơn, trong khi mức miễn dịch cộng đồng là 95%. Theo giới chức, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động tiêm chủng, khiến nhiều quốc gia không đạt độ bao phủ cần thiết để ngăn chặn dịch bùng phát.
Trước đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Các khu vực có nguy cơ cao như vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp được đặc biệt ưu tiên.
Theo lịch tiêm vaccine sởi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ em cần được tiêm 2 liều. Liều thứ nhất vào lúc đủ 9 tháng tuổi, liều thứ hai khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Việc triển khai tiêm sớm hơn cho trẻ từ 6 tháng tuổi tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tỷ lệ miễn dịch, chủ động ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
Tháng 11/2024, Bộ Y tế lần đầu phê duyệt triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP HCM, trong bối cảnh ca mắc sởi ở nhóm này liên tục tăng. Đây là nhóm chưa đủ tuổi để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vaccine sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vaccine này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng hai mũi theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
![Một em bé mắc sởi. Ảnh: Lê Phương](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/10/2-1739161166-8520-1739161217.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eR6tIjajX6dVfBt_nCmoCw)
Một em bé mắc sởi. Ảnh: Lê Phương
Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng... Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban. Trẻ mắc bệnh đa phần tự khỏi, song một số nhóm như suy giảm miễn dịch, ung thư, bệnh mạn tính, tim bẩm sinh... nguy cơ diễn tiến nặng, có thể tử vong. Trẻ mắc sởi thường giảm miễn dịch lâu dài, dễ còi cọc suy dinh dưỡng, mắc các bệnh khác sau đó.
Lê Nga