Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám, đo đa ký giấc ngủ phát hiện tín hiệu nhiễu sóng điện cực cơ cằm và cơ gấp các ngón tay. Camera từ máy ghi nhận âm thanh la hét và hình ảnh người bệnh thúc mạnh tay vào thành giường trong giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (Rapid Eye Movement - REM).
Ngày 13/2, ThS.BS Hoàng Châu Bảo Đính, Khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết ông Quang mắc hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Đây là dạng rối loạn giấc ngủ mà người bệnh có các biểu hiện hành vi (âm thanh, vận động) bất thường, mang tính bạo lực, điển hình như la hét, cười nói, khóc, chửi bới, đấm đá, ngồi dậy... để phản ứng lại các sự kiện diễn ra trong giấc mơ. Các cử động xảy ra nhanh, đột ngột dễ gây thương tích cho bản thân người bệnh và người ngủ bên cạnh.
Mỗi giấc ngủ đêm thường trải qua các chu kỳ khác nhau, mỗi chu kỳ có thể kéo dài 90-120 phút, bao gồm 4 giai đoạn giấc ngủ là N1, N2, N3 và REM. Trong đó, giai đoạn giấc ngủ REM còn gọi là giai đoạn ngủ mơ, tức thường các giấc mơ diễn ra trong giai đoạn này. Ở người bình thường, hoạt động cơ bị ức chế tối thiểu (mất trương lực) trong giai đoạn REM, ngoại trừ mắt và các cơ kiểm soát hơi thở. Do đó, tay chân trở nên mềm, gần như không cử động kể cả khi ngủ mơ.
Người mắc hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM như ông Quang, trên đa ký giấc ngủ có thể quan sát thấy hiện tượng không mất trương lực cơ ở giai đoạn này. Theo bác sĩ Đính, đây là nguyên nhân dẫn đến các hành vi bất thường như vung tay chân liên quan đến nội dung xảy ra trong giấc mơ.
Ông Quang có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm và đang đồng mắc bệnh nền tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, béo phì. Để điều trị hiệu quả, bác sĩ chỉ định theo phác đồ đa mô thức, kết hợp dùng thuốc, vệ sinh giấc ngủ và chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý.
Bác sĩ hướng dẫn người bệnh chêm gối xung quanh giường hoặc kê nệm trực tiếp dưới sàn, bọc các đồ vật nội thất xung quanh, không để các vật dụng sắc nhọn trong phòng ngủ... tránh nguy hiểm đến bản thân và người ngủ cùng.
Sau một tháng điều trị, ông Quang hết mơ thấy ác mộng, không còn la hét hoặc các hành vi bạo lực bất thường trong giấc ngủ. Mỗi đêm người bệnh ngủ đủ 7-8 giờ, giảm 2 kg, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Ông Quang cần duy trì dùng thuốc lâu dài theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn 1-3 tháng mỗi lần.
Bác sĩ Bảo Đính cho biết nhiều người mắc hội chứng rối loạn hành vi giấc ngủ chuyển động mắt nhanh nhưng không biết để đi khám và điều trị. Bệnh thường xảy ra ở nam giới từ 50 tuổi trở lên, nguy cơ cao hơn ở các bệnh nhân thoái hóa thần kinh như bệnh Parkinson, thoái hóa chất trắng, teo đa hệ thống hoặc đồng mắc các bệnh viêm, u, tự miễn...
Người thường xuyên gặp ác mộng hoặc có biểu hiện hành vi bạo lực bất thường trong giấc ngủ nên đi khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa Thần kinh, tránh để lâu có thể biến chứng nguy hiểm.
Trường Giang
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |